Đại biểu Quốc hội: ‘Việt Nam chỉ ở mức thu nhập trung bình thấp’
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho biết nếu nói nước ta là nước thu nhập trung bình sẽ dễ khiến nhiều người tự mãn nghĩ rằng nước ta không còn nghèo.
Thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong phần nhận xét về Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, Văn kiện đã nêu bật được việc nước ta đã thoát được khủng hoảng, thoát khỏi tình trạng kém phát triển để trở thành một nước có thu nhập trung bình.
Việt Nam mới chỉ là nước có mức thu nhập trung bình thấp
Không đồng tình với nhận định trong Văn kiện đưa ra là nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, nếu nói nước ta là nước thu nhập trung bình sẽ dễ khiến nhiều người tự mãn vì nghĩ rằng Việt Nam không còn là một nước nghèo. Do đó, đại biểu đề xuất, nên xác định nước ta có thu nhập trung bình thấp, để từ đó hiểu rõ điểm xuất phát, tăng thêm sự quyết tâm của toàn Đảng và toàn dân để sớm vượt qua mức thu nhập trung bình, trở thành quốc gia có mức thu nhập cao.
“Tôi đề nghị trong Văn kiện cần nói rõ là nước ta có mức thu nhập trung bình thấp, bởi ghi như trong báo cáo là nước thu nhập trung bình, nhưng thu nhập trung bình lại nằm trong một dải khá rộng (từ 1.046 USD/năm lên 12.736 USD/năm). Năm nay thu nhập quốc dân tính trên đầu người khoảng 2.000 USD/năm, như vậy chúng ta mới bước vào ngưỡng thấp nhất của mức thu nhập trung bình, thuộc nhóm nước trung bình thấp”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đánh giá về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. (Ảnh:KT) |
“Tôi đề nghị nhấn mạnh rất rõ quan điểm này. Tôi nhấn mạnh lại là trong các nguy cơ thì nguy cơ tụt hậu là rất lớn và là một điểm trọng tâm mà nước ta cần sớm khắc phục. Cần phải nói rõ là chưa thu hẹp khoảng cách phát triển hay đã thu hẹp rồi nhưng mà chậm? Với các nước phát triển cao hơn chúng ta không so sánh, nhưng với các nước như Lào, Campuchia, Myamar đang có bước phát triển đột phá, do đó cần đưa ra những số liệu cụ thể để chứng minh rằng, chúng ta có tụt hậu xa hơn không hay là đã thu hẹp, còn chậm thu hẹp thì theo tôi là đương nhiên”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.
Về mục tiêu đề ra trong Báo cáo đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước phát triển theo hướng hiện đại, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần khẳng định chắc chắn mục tiêu này là không hoàn thành, vấn đề cần làm là kiểm điểm lại xem nguyên nhân do đâu? Do chúng ta đã đặt mục tiêu quá cao hay chúng ta làm không tốt?
“Có thể hiểu trên tinh thần là do chúng ta dự báo không tốt, nhưng dự báo chỉ là một phần, tôi khẳng định là do chúng ta làm chưa tốt. Các đại hội trước đã nói đến 4 nguy cơ của nền kinh tế Việt Nam, nhưng trong Văn kiện đại hội này chúng ta nhắc rất ít đến nguy cơ mà theo tôi quan trọng nhất chính là nguy cơ tụt hậu. Báo cáo lần này của Đảng xác định rõ chúng ta đang nằm ở đâu trong ASEAN và chúng ta vươn lên trình độ tiên tiến của các nước trong ASEAN như thế nào tôi nghĩ là rất cần thiết”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Kinh tế Nhà nước không là chủ đạo trong nền kinh tế thị trường
Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, Đại biểu Vũ Tiến Lộc có đề cập đến 3 vấn đề cốt lõi của nền kinh tế, trong đó bao gồm nợ công, nợ xấu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đại biểu này cho rằng nợ công đang tăng lên, nợ xấu quay lại và đang giải quyết, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế còn rất thấp kém. Nếu không giải quyết được 3 vấn đề cốt lõi này thì triển vọng phát triển trong những năm tới và phát triển bền vững rất khó khăn.
Đánh giá về những thuật ngữ mới xuất hiện trong văn kiện trình Đại hội Đảng lần này, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong khi Văn kiện của Đảng vẫn nói “Kinh tế Nhà nước vẫn là chủ đạo” thì không thể nói “chúng ta tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường” hoặc “tuân theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường thế giới”.
Bởi lẽ theo đại biểu này phân tích, tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường thế giới sẽ không ở đâu có Kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Nếu nền Kinh tế Nhà nước là chủ đạo trong nền kinh tế thị trường thì Kinh tế Nhà nước không thể đảm bảo, mặc dù Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng nhưng Kinh tế Nhà nước là chủ đạo thì cần phải xem lại. Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị cần thiết phải ghi nhận kinh tế tư nhân là động lực cho phát triển kinh tế./.