Đại lý bán lẻ sẽ có nhiều mức giá xăng dầu?
VOV.VN - Từ ngày 1/11/2014, Nghị định 83/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thay thế Nghị định 84/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo tinh thần của Nghị định mới, cùng với việc cho phép thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn, các thương nhân đầu mối, kể cả thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định - trong điều kiện các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Đa dạng thành phần tham gia thị trường
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA), Nghị định mới chắc chắn sẽ tạo ra một thị trường xăng dầu cạnh tranh, có nhiều mức giá khác nhau trên hệ thống đại lý bán lẻ xăng dầu. Bởi có doanh nghiệp xem xét năng lực, quy mô, chi phí… của mình để điều chỉnh trong phạm vi có biến động cho phép. Người tiêu dùng khi đó cũng được quyền lựa chọn mua theo chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp xăng dầu cung cấp.
“Với biên độ 0-3%, chắc chắn sẽ không có chuyện doanh nghiệp cấu kết nhau làm giá - điều mà trước đây người tiêu dùng có thể nghi ngờ khi thực thi Nghị định 84. Biên độ cho phép tại Nghị định 84 lên tới 7% thì có thể có chuyện đó, nhưng với 3% thì chắc là không có chuyện bắt tay nhau làm giá mà doanh nghiệp sẽ chủ động trong hoạt động của mình”, ông Ruệ quả quyết.
Đại diện Hiệp hội xăng dầu cho rằng, trong 11 yếu tố cấu thành giá xăng dầu, hiện đã có 9 yếu tố ổn định, chỉ còn 2 yếu tố biến động là thuế nhập khẩu và tỷ giá. Để thị trường xăng dầu vận hành tốt hơn, cần phải ổn định thuế, ít nhất việc ổn định thuế cũng phải được 6 tháng đến 1 năm mới có sự điều chỉnh.
Ông Ruệ cũng cho rằng, Quỹ bình ổn giá (BOG) cũng cần có hướng dẫn cụ thể. “Nghị định đưa ra nguyên tắc thị trường phải có biến động giá từ trên 3-7% mới đc sử dụng BOG nhưng ngay tại Nghị định lại cho phép việc trích lập quỹ thường xuyên liên tục. Vậy thì phải hướng dẫn cụ thể thế nào?” Quy định “Quỹ BOG xăng dầu được trích lập và sử dụng liên tục, thường xuyên”, ông Ruệ cho rằng không hợp lý. Bởi, nếu trích quỹ liên tục thì người tiêu dùng sẽ thiệt, xả quỹ liên tục thì doanh nghiệp sẽ chết. Những quy định này phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Trước thực tế việc ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 84 giữa 2 Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thời gian qua có nhiều điểm “vênh” thậm chí mâu thuẫn nhau (tại thông tư 234 của Bộ Tài chính và thông tư 36 của Bộ Công Thương) đã dẫn tới sự chồng chéo, thậm chí khó khăn trong quản lý thị trường xăng dầu.
Theo ông Phan Thế Ruệ, với Nghị định mới này, 2 bộ nên hợp tác với nhau cùng làm một thông tư liên bộ để thống nhất trong quản lý điều hành. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đều cho rằng, cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn vì chỉ còn hơn 1 tháng nữa Nghị định 83 sẽ có hiệu lực.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực 1 cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các đối tượng mới được quy định tại Nghị định này, như đại lý và đại lý nhận quyền, nếu hướng dẫn không cụ thể thì sẽ không khác gì so với Nghị định 84.
“Thời gian chỉ còn 1 tháng mà có rất nhiều việc phải làm. Đối với thương nhân phân phối cần phải làm hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận phân phối cũng là việc rất khó. Trong khi Bộ Công Thương vừa làm giấy phép cho thương nhân phân phối lại vừa cấp giấy phép cho hàng trăm tổng đại lý thì đây không phải chuyện đơn giản”, ông Tiu băn khoăn.
Khó quản lý chất lượng xăng dầu
Nhiều ý kiến cho rằng, khi mở cửa cho các thành phần tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu, việc quản lý chất lượng mặt hàng này sẽ là bài toán khó. Nếu trước đây, tổng đại lý chỉ được mua của một đầu mối và đầu mối phải đảm bảo chất lượng, thì tới đây tổng đại lý được phép mua của nhiều đầu mối khác nhau, sau đó bán lại cho thương nhân nhận quyền, chất lượng hàng từ điểm đầu tới điểm cuối sẽ là câu hỏi lớn.
Như vậy, để quản lý được chất lượng mặt hàng xăng dầu, cả 4 Bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học & Công nghệ và Tài nguyên & môi trường phải ngồi với nhau trên cơ sở quy định hướng dẫn cụ thể về chất lượng xăng dầu mới mong quản và siết được.
Một điểm đáng tiếc nhất của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, theo ông Phan Thế Ruệ là thiếu một chương quy định về chế tài thực hiện, quy định xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Điều này cần được bổ sung kịp tời tại thông tư hướng dẫn, thậm chí cần có ngay một nghị định quy định về chế tài, với mức xử lý nghiêm, phạt thật nặng mới đủ tính răn đe.
“Tôi cho rằng trong tương lai, tất cả những chuyện giá cả, thương nhân, đại lý… không quan trọng bằng việc đảm bảo chất lượng xăng dầu như thế nào. Trách nhiệm của các thành phần kinh doanh như thế nào đối với chất lượng xăng dầu chưa được quy định cụ thể”, ông Ruệ cho biết./.