"Đánh giá sát hơn nữa các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công"
VOV.VN - Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ rà soát, đánh giá sát hơn nữa khó khăn vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; những gì thuộc thẩm quyền của mình cần phải cố gắng, quyết liệt hơn.
Sáng 17/10, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì buổi làm việc của Tổ Công tác số 3 của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh Bình Phước đã làm việc trước đó).
6 địa phương vùng Đông Nam bộ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá, 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ liên quan đến Tổ công tác số 3 có tỷ lệ trung bình giải ngân vốn đầu tư thấp; đến hết tháng 9/2024 chỉ đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn bình quân cả nước là 47,29%. Do đó, các địa phương cần phải đánh giá sát hơn, có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện các mục tiêu.
Theo Phó Thủ tướng, các khó khăn của các địa phương trong vùng cũng là những vướng mắc của nhiều địa phương khác trong cả nước. Đó là các khó khăn về khâu giải phóng mặt bằng khiến kéo dài thời gian thực hiện dự án; các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, vướng luật, vấn đề thiếu vật liệu xây dựng…
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ rà soát, đánh giá sát hơn nữa khó khăn vướng mắc để tập trung tháo gỡ.
"Tôi đề nghị các địa phương phải rà soát, phân loại, đánh giá sát hơn nữa, những gì thuộc thẩm quyền, cố gắng được thì quyết liệt hơn. Trong đó lưu ý vấn đề phối hợp giữa các cơ quan, năng lực điều phối, trách nhiệm của người thực thi công vụ trong bối cảnh bây giờ, đặc biệt là năng lực của các Ban Quản lý dự án", Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị.
Còn nhiều khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công
Trước đó, đại diện các tỉnh, Thành phố cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Đó là công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án; trình tự thủ tục còn kéo dài, phức tạp, chính sách bồi thường hỗ trợ chưa phù hợp thực tế…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công trong 9 tháng của Thành phố chưa đạt như kế hoạch đề ra. Một số dự án chậm giải ngân là do chờ luật mới như Luật Đấu thầu. Luật đất đai sửa đổi, có hiệu lực từ 1/8 cũng ảnh hưởng lớn đến giải ngân. Cùng với đó là các nguyên nhân khác như việc đề xuất bổ sung điều chuyển vốn trung hạn chậm; khâu điều hành của UBND Thành phố, trách nhiệm của sở ngành, chủ đầu tư, nhà thầu chưa tốt…
9 tháng, TP.HCM mới giải ngân được khoảng 16.000 tỷ đồng, còn lại TP phải giải ngân khoảng 63.000 tỷ đồng. Ông Phan Văn Mãi phân tích, trong số này, có khoảng 30.000 tỷ đồng nằm ở khâu giải phóng mặt bằng ở các dự án lớn là Rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc Kênh Đôi và Vành đai 2. Thành phố sẽ vẫn kiên trì chỉ tiêu giải ngân đầu tư công cũng cam kết đảm bảo tiến độ của Vành đai 3.
"Nhóm dành cho giải phóng mặt bằng là khoảng 30.000 tỷ đồng, phân nửa số còn lại. Trong số 30.000 tỷ đồng này thì đến giờ này khả năng sẽ giải ngân được 28.000 tỷ đồng, số còn lại tiếp tục rà soát làm thủ tục để đạt được con số 30.000 tỷ đồng", ông Phan Văn Mãi cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 6 địa phương trong vùng Đông Nam Bộ là 128.580 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ là 147.371 tỷ đồng, trong đó có 5 tỉnh phân bổ ngân sách địa phương tăng so với kế hoạch được giao do tăng thu các nguồn do địa phương quản lý (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tính đến hết tháng 9, tổng số vốn ước giải ngân của 6 địa phương trong vùng Đông Nam Bộ khoảng 45.594 tỷ đồng (đạt 35,46% kế hoạch), thấp hơn mức bình quân cả nước là 47,29%. Trong đó, nhóm 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước là TP.HCM giải ngân 21,29%; Bình Phước giải ngân hơn 32% và Đồng Nai giải ngân 46,77%.
Các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước là Bà Rịa - Vũng Tàu (gần 94%); Tây Ninh (đạt gần 57%) và Bình Dương (đạt gần 50%).