Đâu là động lực cho “cuộc chiến” giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia?
VOV.VN - Ẩn dấu đằng sau cuộc chiến giá dầu là cả một toan tính chiến lược của các bên với mục tiêu giành thị phần, sắp xếp lại thị trường dầu mỏ...
Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia diễn ra đúng vào thời điểm nguồn cầu giảm mạnh vì dịch Covid-19 đang trở thành đại dịch khiến cho dư luận không khỏi bất ngờ. Cả Moscow và Riyadh được cho là có bước đi chiến lược với những mục tiêu xác định rõ ràng, tuy nhiên, nó có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu cuộc chiến giá kéo dài và vượt tầm kiểm soát.
Từ cuộc chiến giá dầu…
Sự bùng phát dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới giá dầu thế giới. Giá dầu WTI giảm 23% và dầu Brent giảm tới 25%, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, đưa giá dầu về gần mức 30 USD/thùng. Điều này đòi hỏi các nước đã từng ký kết bản Tuyên bố hợp tác, tìm cách khôi phục sự ổn định và đưa thị trường dầu mỏ thế giới về thế cân bằng.
Cơ sở khai thác dầu thô. (Ảnh: Benzinga/TTXVN) |
Ủy ban kỹ thuật thuộc Liên minh OPEC+ khuyến nghị các nước tiếp tục cắt giảm sản lượng xuống 0,6-1,0 triệu thùng/ngày trong quý II. Theo đó, các nước OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng ở mức 1,7 triệu thùng/ngày so với mức khai thác vào tháng 10/2018 và sẽ giữ nguyên mức này cho tới cuối năm nay.
Nga và Saudi Arabia có vai trò đặc biệt quan trọng trên thị trường dầu mỏ thế giới. Saudi Arabia là thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), còn Nga - một nước ngoài OPEC nhưng có vai trò quan trọng không kém trong việc điều tiết thị trường dầu mỏ. Hai nước từng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong việc duy trì trần khai thác nhằm kiểm soát giá dầu trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trong cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ tại Áo, các nước đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu sau khi Nga từ chối siết chặt nguồn cung để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Nga tuyên bố từ ngày 1/4, sẽ không có nước nào trong OPEC hay OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng.
Việc Nga không thông qua đề xuất trên của OPEC đã khiến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa OPEC và Nga, được ký kết năm 2017, chính thức kết thúc. Đáp trả động thái từ phía Nga, Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm mạnh giá bán và tăng sản lượng lên hơn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Iraq, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố giảm giá bán dầu. Một cuộc chiến giá dầu diễn ra đúng thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng và trở thành đại dịch.
Đến động lực thúc đẩy…
Các chuyên gia cho rằng, đằng sau quyết định không thông qua đề xuất của OPEC là một sự toan tính chiến lược của Nga. Đã từ lâu Nga muốn duy trì và mở rộng ảnh hưởng trên thị trường năng lượng thế giới. Và đây là thời điểm chín muồi để Nga có thể sắp sếp lại các trật tự trên thị trường dầu mỏ, đặc biệt là vấn đề thị phần. Cũng nhân cơ hội này, Nga muốn giáng thêm một đòn vào ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, khiến vị thế của nước này không còn được duy trì.
Về phía Saudi Arabia, từ trước đến nay, nước này luôn muốn nắm quyền lực trong việc điều phối các động thái cắt giảm sản lượng của các nước OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác. Saudi Arabia quyết định tăng sản lượng dầu, một mặt ép Nga quay trở lại bàn đàm phán, mặt khác nhằm đến ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ và thoát khỏi sự “chỉ đạo” của Mỹ đối với các nước OPEC.
Ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ có chi phí khoảng 50-70 USD/thùng, cao hơn nhiều so với chi phí của Saudi Arabia (các nước OPEC) và Nga, nhưng vẫn phát triển và trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Chính OPEC+ đã tạo cơ hội lớn cho ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ cả về giá và số lượng, thị phần để kinh doanh.
Theo đó, OPEC+ duy trì giá ở mức trên 60 USD/thùng, điều đó đủ để cho các công ty dầu đá phiến Mỹ có lời. Các công ty này của Mỹ lại không chịu sự ràng buộc của OPEC+ nên được phép tung ra thị trường hết khả năng khai thác. Không những thế, Mỹ còn thông qua OPEC điều khiển giá cả và tìm mọi cách chiếm lĩnh thị trường, kể cả việc ra lệnh trừng phạt các nước khác như Iran, Venezuela, Nga.
Việc tăng sản lượng khai thác của Saudi Arabia và Nga, sẽ khiến giá dầu tiếp tục hạ thấp, có thể xuống mức 20 USD/thùng, buộc các công ty dầu đá phiến Mỹ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải phá sản. Năm 2014, các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ nợ hơn 145 tỷ USD trong cuộc chiến giá dầu giữa OPEC và Nga.
Theo các chuyên gia, rất có thể Nga không đặt mục tiêu cạnh tranh với Saudi Arabia là chủ yếu, mà là các công ty dầu đá phiến Mỹ và vị thế của Wasington. Saudi Arabia cũng nhân cơ hội này mượn tay Nga để thoát ra khỏi hệ thống petrodollars của Mỹ. Và, cả các nước khác trong OPEC đều nhắm mục tiêu loại bỏ ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.
Và khả năng “chịu nhiệt”
Các chuyên gia đánh giá, Saudi Arabia đã tích trữ đủ nguồn tiền cho phép duy trì giá dầu ở mức thấp, nhưng ngành năng lượng nước này chiếm tới khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu và 2/3 nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, nếu giá dầu không phục hồi và chỉ bằng một nửa mức giá có thể cân bằng ngân sách (mức giá để cân bằng ngân sách khoảng 84 USD/thùng), nền kinh tế Saudi Arabia sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Theo Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, nếu giá dầu Brent vẫn giữ ở mức 35 USD/thùng mà không có sự điều chỉnh chi tiêu, Saudi Arabia có thể thâm hụt 15% tổng sản lượng quốc gia trong năm 2020. Trong khi đó, giá dầu thô được dự báo có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng. Điều đó khiến nền kinh tế Saudi Arabia chịu nhiều tổn thất và tham vọng cải tổ nền kinh tế khó có thể được thực hiện.
Trái lại, với dự trữ dầu mỏ và khí đốt lên tới hơn 150 tỉ USD, Nga có đủ nguồn dự trữ để bù đắp thâm hụt ngân sách trong 6-10 năm, ngay cả khi giá dầu thô dao động từ 25-30 USD/thùng, mặc dù mức giá ấy không tối ưu để cân bằng ngân sách. Nga đã từng trụ vững trước cuộc chiến hạ giá dầu của OPEC đứng đầu là Saudi Arabia năm 2014.
Hasnain Malik, chiến lược gia tại công ty Tellimer nhận định: “Cả Nga và Saudi Arabia đều có tiềm lực tài chính và sức sản xuất để duy trì cuộc chiến về giá trong nhiều quí. Nhưng nếu giá dầu thô giảm trên 35% trong vòng 1 tuần thì có thể thời gian của cuộc chiến sẽ rút ngắn lại”. Tuy nhiên, việc chi tiêu công cho các dự án và phục lợi xã hội đóng vai trò quan trọng nên “chính trị của Saudi Arabia nhạy cảm với những áp lực kinh tế hơn Nga”.
Các chuyên gia dự báo, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ sẽ chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến này, bởi khi không còn các điều kiện đảm bảo về giá, các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí bị phá sản. Ngành dầu khí Mỹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ, nhưng khi bầu cử sắp đến, Tổng thống Trump không dễ đánh đổi số phiếu bầu lấy việc cứu ngành khai thác dầu đá phiến.
Như vậy, ẩn dấu đằng sau cuộc chiến giá dầu là cả một toan tính chiến lược của các bên với mục tiêu giành thị phần, sắp xếp lại thị trường dầu mỏ vốn bị đảo lộn, cùng với nỗ lực thoát khỏi hệ thống petrodollars của Mỹ và cạnh tranh ảnh hưởng địa-chính trị. Tuy nhiên, bước đi này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu cuộc chiến kéo dài và vượt tầm kiểm soát./. Giá dầu lao dốc mạnh nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh 1991
Chứng khoán Mỹ tụt dốc thê thảm do Covid 19 và cuộc chiến giá dầu mỏ