Đầu Xuân, nông dân Bình Chánh kể chuyện làm nông nghiệp bền vững
VOV.VN - Sau vụ lúa ST25 hè thu thí điểm đầu tiên, nông dân ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM, tiếp tục thu lại kết quả rất khả quan ở vụ lúa Đông xuân năm nay nhờ kiên trì cải tạo đất và canh tác bằng quy trình hữu cơ. Thành quả này đã tạo thêm động lực để lan tỏa ý thức canh tác nông nghiệp những ngày đầu xuân.
Lan tỏa ý thức canh tác sạch
Những ngày đầu Xuân, ông Nguyễn Văn Hai, người nông dân hơn 70 tuổi ngụ ấp 3, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM, chia sẻ niềm vui khi những hạt lúa gạo ST25 canh tác bằng quy trình hữu cơ được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Gạo ST25 ra thành phẩm tuy sản lượng chưa nhiều, nhưng đã được lan tỏa đến nhiều vùng miền để người dân cảm nhận hương vị đặc trưng, đa dạng của lúa gạo Việt Nam.
Ông Hai là Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp trồng lúa xã Hưng Long cũng là người đầu tiên mạnh dạn thí điểm trồng lúa ST25 theo quy trình 4 bước bằng việc bón thủy phân enzyme với vitamin.
Vụ Đông Xuân này, gia đình ông tiếp tục thành công với diện tích 1,5 ha, giá lúa còn được doanh nghiệp tại địa phương bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn lúa cùng loại trên thị trường 1.000 đồng/kg.
“Bà con thấy mình làm, rồi mình có cơ hội tiếp xúc với bà con nông dân thì mình trao đổi chuyện hơn thiệt trong việc làm lúa sạch hữu cơ để chúng ta tạo ra những sản phẩm sạch trên bàn cơm mỗi gia đình. Tổ nghề nghiệp trồng lúa xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM vụ Hè thu 2024 được triển khai, ban đầu có 7 thành viên canh tác hơn 6 ha. Ngay sau vụ lúa này đã kết nạp thêm 2 thành viên mới, tổng diện tích canh tác tăng lên trên 7 ha”- ông tổ trưởng Nguyễn Văn Hai rất phấn khởi khi đã lan tỏa được ý thức chuyển đổi quy trình canh tác sạch cho rộng rãi nông dân địa phương.
Định hình thương hiệu lúa gạo hữu cơ
Là huyện ngoại thành TP.HCM, Bình Chánh hiện còn khoảng 1.567 ha đất trồng lúa. Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, huyện Bình Chánh khuyến khích các nông hộ chủ động, mạnh dạn ứng dụng những giống lúa mới chất lượng cao.
Một thành viên khác của Tổ nghề nghiệp trồng lúa tại huyện Bình Chánh là ông Trần Văn Nhã đã mạnh dạn đưa thêm 4.000 m2 đất vào canh tác, nâng tổng diện tích trồng lúa chất lượng cao lên 4 ha.
Ông Nhã chia sẻ, trồng lúa hữu cơ không những chất lượng đất được cải tạo đáng kể, mà qua ghi chép sổ sách cho thấy mỗi hộ đều tiết kiệm ít nhất hơn 10% chi phí mua phân, thuốc so với trước.
Từ những hạt lúa chất lượng này, gia đình, người thân, cộng đồng có gạo sạch để dùng và mạnh dạn định hình thương hiệu lúa gạo hữu cơ huyện Bình Chánh.
Một số doanh nghiệp tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) sau khi kiểm tra mẫu gạo từ vùng trồng này đã đánh giá cao và có kế hoạch hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo ST25 hướng hữu cơ của Bình Chánh trong thời gian tới.
“Năm nay bà con đón Tết vui hơn, tại vì lúa thì trúng mà giá cả được bao tiêu lại cao. Thành quả lao động của mình làm ra được đón nhận, giá trị cao, năng xuất định nên bà con rất vui, mừng lắm”. Ông Nhã phấn khởi.
Sau 2 vụ thí điểm, mô hình trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, dần định hình được thương hiệu và khả năng cạnh tranh của nông sản, giúp nông dân phát triển nông nghiệp bền vững.