Đẩy mạnh hợp tác qua biên giới tạo cơ hội cho kinh tế Cao Bằng

VOV.VN - Sau thời gian dài ảnh hưởng do dịch Covid-19, Cao Bằng đã có các hoạt động đối ngoại tích cực với khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm tạo ra những cơ hội mới cho kinh tế biên mậu tỉnh miền núi này.

Ngày 15/9/2023, Chính quyền Cao Bằng và Chính quyền khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất đưa vào vận hành thí điểm cho phép người dân qua lại tham quan khu danh thắng Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Sau gần 3 tháng, đã có gần 7.200 lượt du khách Việt Nam, Trung Quốc qua lại khu cảnh quan hai phía. Bà Nguyễn Thị Hải Nam, Công ty CP Lữ hành quốc tế Việt Nam đánh giá, mô hình hợp tác này có thể xem là bước đột phá trong quan hệ giữa hai địa phương của Việt Nam và Trung Quốc, tạo thêm những cơ hội cho phát triển du lịch của cả hai bên.

“Sản phẩm du lịch này mang điểm nhấn mới cho tỉnh Cao Bằng. Khi thí điểm, khách Trung Quốc họ sẽ tiếp cận du lịch Cao Bằng và sau này sẽ có thêm các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch, phát triển thương mại hay phát triển sản xuất tại Cao Bằng…”, bà Nam bày tỏ.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác, phát triển giữa hai bên, bà Hoàng Văn Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa, du lịch, thể thao và truyền hình huyện Đại Tân, Quảng Tây (Trung Quốc) cho rằng, Quảng Tây (Trung Quốc) và Cao Bằng (Việt Nam) có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực du lịch văn hóa cũng như kinh tế. Việc vận hành thí điểm du lịch qua biên giới Trung- Việt là một mô hình mới, chưa có tiền lệ, tạo ra phương thức hợp tác giao lưu văn hóa, du lịch của 2 khu, tỉnh Quảng Tây- Cao Bằng.

“Với tư cách là ngành quản lý du lịch, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về khu hợp tác, đồng thời không ngừng đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho du khách 2 bên trong thời gian tới”, bà Hương nói.

Cùng với du lịch, Cao Bằng cũng đã có những bước tiến trong sản xuất nông, lâm nghiệp hướng tới thị trường tỷ dân, đặc biệt là tận dụng các cửa khẩu, lối mở đang có tại hầu khắp các huyện của tỉnh. Hiện nay, Cao Bằng bước đầu có cây thạch đen, sản phẩm từ gỗ rừng trồng, trúc sào xuất sang thị trường nước bạn.

Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc sở NN&PTNT Cao Bằng cho hay, địa phương đã xác định một số loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh để tập trung phát triển, hướng tới xuất khẩu như nguyên liệu thuốc lá, thạch đen, hạt dẻ Trùng Khánh, quả lê vàng bản địa hay các loại cây lâm nghiệp đa mục đích như quế, hồi, mắc ca. Đặc biệt, phát triển chăn nuôi trâu, lợn phục vụ xuất khẩu cũng là hướng đi đầy tiềm năng, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

“Sở đang kêu gọi các DN quan tâm xây dựng, phát triển các sản phẩm cây trồng, vật nuôi Cao Bằng có lợi thế theo chuỗi giá trị. Việc phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị sẽ gắn người sản xuất với người tiêu thụ, đảm bảo tính ổn định trong sản xuất hàng hóa của người dân. Đồng thời, với việc đầu tư, bao tiêu sản phẩm của DN, họ cũng sẽ hướng tới xuất khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc với các mặt hàng mà Cao Bằng đang có lợi thế”, ông Hà cho biết.

Nhằm phát huy lợi thế đường biên hơn 330km với Quảng Tây, Trung Quốc, khi dịch Covid-19 tạm lắng, Cao Bằng đã có nhiều hoạt động tích cực trong đối ngoại qua biên giới. Trong đó có việc đầu tư, hoàn thiện và đưa vào sử dụng khu liên hợp cửa khẩu Sóc Giang, huyện Hà Quảng. Nối lại hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Sóc Giang, Tà Lùng.

Tại cuộc gặp giữa lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây tháng 11 vừa qua, hai bên thống nhất cùng báo cáo cấp trên và hoàn thiện thủ tục mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu Lý Vạn (Việt Nam) - Thạc Long (Trung Quốc) và hoàn thiện thủ tục nâng cấp cặp cửa khẩu này lên cửa khẩu quốc tế. Hoàn thiện các thủ tục mở cửa khẩu song phương Pò Peo (Việt Nam) - Nhạc Vu (Trung Quốc), Hạ Lang (Việt Nam) - Khoa Giáp (Trung Quốc). Hai bên cũng thống nhất hoàn thiện thủ tục để đưa cầu Tà Lùng II (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc) vào vận hành chính thức và hoàn thiện thủ tục xây dựng một số đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại một số cửa khẩu khác. 

Đặc biệt, dự kiến trong tháng 12 này, Cao Bằng và Quảng Tây tổ chức công bố nâng cấp Cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) trở thành cửa khẩu quốc tế. Sự kiện này không chỉ khẳng định sự phát triển mối quan hệ hai bên mà còn mở ra bước phát triển mới cho kinh tế biên mậu Cao Bằng. Nhất là khi tuyến Cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh chuẩn bị được khởi công sẽ có điểm kết nối tại cửa khẩu này, giúp Cao Bằng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trên tuyến giao thương quốc tế.

Ông Lý Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng cho biết, đối với cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng xác định sẽ là 1 điểm trung chuyển, nơi kết nối hành lang kinh tế Hà Nội, Hải Phòng (Việt Nam) qua Trà Lĩnh (Trùng Khánh, Cao Bằng) sang các vùng phía Tây Nam Trung Quốc là nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Hiện Khu kinh tế đã tập trung đầu tư và kết nối hạ tầng để có thể tạo điều kiện thông quan nhanh nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa.

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Cao Bằng ước đạt 661 triệu USD, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và có thể xem là năm Cao Bằng đạt nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động đối ngoại. Đây là cơ sở để địa phương này khôi phục hoạt động kinh tế sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh, cũng là nền tảng để Cao Bằng hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế biên mậu trở thành mũi nhọn phát triển trong thời gian tới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cải cách thủ tục hải quan, thúc đẩy biên mậu phát triển
Cải cách thủ tục hải quan, thúc đẩy biên mậu phát triển

VOV.VN - Cải cách nền hành chính quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó cải cách thủ tục hành chính tại các cửa khẩu quốc tế được xem là khâu đột phá trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cải cách thủ tục hải quan, thúc đẩy biên mậu phát triển

Cải cách thủ tục hải quan, thúc đẩy biên mậu phát triển

VOV.VN - Cải cách nền hành chính quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó cải cách thủ tục hành chính tại các cửa khẩu quốc tế được xem là khâu đột phá trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cửa khẩu thông minh: Thúc đẩy kinh tế biên mậu Việt Nam - Trung Quốc
Cửa khẩu thông minh: Thúc đẩy kinh tế biên mậu Việt Nam - Trung Quốc

VOV.VN - Lạng Sơn đang tiếp tục nâng cấp mô hình cửa khẩu số, tiến tới xây dựng “Cửa khẩu thông minh” như Thỏa thuận khung mà Lạng Sơn vừa kí kết với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa qua. Mô hình cửa khẩu thông minh được kì vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy thông quan hàng hóa qua biên giới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Cửa khẩu thông minh: Thúc đẩy kinh tế biên mậu Việt Nam - Trung Quốc

Cửa khẩu thông minh: Thúc đẩy kinh tế biên mậu Việt Nam - Trung Quốc

VOV.VN - Lạng Sơn đang tiếp tục nâng cấp mô hình cửa khẩu số, tiến tới xây dựng “Cửa khẩu thông minh” như Thỏa thuận khung mà Lạng Sơn vừa kí kết với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa qua. Mô hình cửa khẩu thông minh được kì vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy thông quan hàng hóa qua biên giới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Sôi động các hoạt động biên mậu tại Lạng Sơn
Sôi động các hoạt động biên mậu tại Lạng Sơn

VOV.VN - Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại tỉnh Lạng Sơn đang dần sôi động trở lại.

Sôi động các hoạt động biên mậu tại Lạng Sơn

Sôi động các hoạt động biên mậu tại Lạng Sơn

VOV.VN - Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại tỉnh Lạng Sơn đang dần sôi động trở lại.