Đẩy mạnh xuất khẩu: Tham tán và doanh nghiệp đã thực sự chủ động?
VOV.VN - Doanh nghiệp và cơ quan thương vụ đang có chung mong muốn cùng tích cực hơn trong hoạt động thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tại Hội nghị tham tán thương mại năm 2016 được Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM sáng nay (22/2), một lần nữa vấn đề chủ động trong hoạt động thương mại lại được đặt ra. Các tham tán thương mại yêu cầu doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong tìm kiếm thị trường, đối tác. Trong khi đó, nhiều địa phương và doanh nghiệp tiếp tục đề nghị công tác tham tán phải tăng cường cả về con người và tính chủ động cung cấp thông tin.
Ông Phạm Hoàng Lâm, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm ở tỉnh An Giang, chuyên về xuất khẩu gạo, đã kể lại câu chuyện doanh nghiệp của mình bị lừa mất 2.000 tấn gạo, trị giá hơn 1 triệu USD ở thị trường Ghana.
Ông Lâm cho rằng, khi xuất gạo đi thị trường châu Phi, doanh nghiệp của ông đã chủ động tìm hiểu thị trường rất kỹ, đã chọn cách xuất khẩu qua một doanh nghiệp ở nước thứ 3, để tránh rủi ro doanh nghiệp châu Phi không có khả năng tài chính.
Khi mất hàng, ông cũng được tham tán thương mại Việt Nam ở nước sở tại hỗ trợ hết sức. Nhưng theo ông Lâm, sự hỗ trợ của các tham tán thương mại cho doanh nghiệp nếu được chủ động và ngay từ đầu, khi doanh nghiệp có ý định xuất khẩu vào thì trường nào đó, thì sẽ tốt hơn nhiều.
“Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về tìm kiếm, khai thác thị trường xuất khẩu cũng như điều tra về khách hàng. Thông thường, trước khi tiến hành xuất khẩu, doanh nghiệp cũng nhờ thương vụ điều tra doanh nghiệp nước sở tại, đảm bảo an toàn doanh nghiệp mới làm. Thời gian tới, đề nghị cơ quan tham tán quyết liệt hơn, sát cánh cùng doanh nghiệp để khai thác mở rộng thị trường châu Phi vì đó là một thị trường lớn, nhiều cơ hội và tiềm năng”, ông Phạm Hoàng Lâm nêu rõ.
Cơ quan tham tán tại nước ngoài và doanh nghiệp cần chủ động hơn trong tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu. (Ảnh minh họa: KT) |
Hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ nằm ở chỗ thông tin về thị trường, về các quy định, hàng rào kỹ thuật, thuế quan, mà còn về nhiều thứ khác như tra cứu tín dụng của doanh nghiệp đối tác nước ngoài, cảnh báo rủi ro…
Để làm được điều này, các tham tán ở nước ngoài sẽ chủ động hơn, nhưng cũng cần tăng cường thêm lực lượng. Hiện nay, ở quốc gia nào có bộ phận tham tán thương vụ đông nhất cũng chỉ vỏn vẹn 4 người, trong khi mỗi ngày nhận được hàng chục yêu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp từ trong nước.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 ở ĐBSCL trong năm 2015, kiến nghị: Mỗi quốc gia chỉ có một vài tham tán thì rất ít cho nên, tùy thị trường nên bố trí thêm. Ví dụ như thị trường Mỹ rộng lớn nhưng chỉ có 10 tham tán thì chưa chắc đã đủ. Cho nên việc tăng thêm nhân lực cho hoạt động này ở các thị trường là hết sức cần thiết.
Năm 2015 được gọi là năm của hiệp định với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết hoặc có hiệu lực. Cho nên, với các tham tán các nước, năm 2016 này, công việc sẽ càng chồng chất hơn.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Công sứ, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, năm 2015 là năm của hiệp định nên để thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định, thương vụ sẽ phải chủ động, nghiên cứu, đàm phán thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại không nên theo các phương thức truyền thống.
Với tinh thần chung, các tham tán thương mại sẽ nỗ lực hơn, chủ động hơn để đáp ứng nhu cầu thông tin, hỗ trợ của doanh nghiệp, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải thật sự chủ động nắm bắt thị trường, nâng cao trình độ. Ở nhiều thị trường nước ngoài hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước đang quá lệ thuộc vào các thông tin từ tham tán, đôi lúc còn có tâm lý ỉ lại. Có doanh nghiệp còn đề nghị được hỗ trợ thông tin với yêu cầu văn bản phải bằng tiếng Việt…
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, với các yêu cầu của doanh nghiệp, thương vụ đều cố gắng giải đáp. Nhưng các doanh nghiệp cũng không nên ỉ lại, mà phải cố gắng tự thân vận động, tự tìm tài liệu, tự xem trên mạng. Những gì không hiểu, tìm không được hay thắc mắc gì thì lúc đó mới hỏi thương vụ.
Thị trường thương mại hiện nay thực sự là một thị trường mở. Nước ngoài mở cửa cho doanh nghiệp Việt và thị trường Việt cũng mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, mỗi thị trường có những đặc thù riêng mà doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu thật kỹ để giảm rủi ro ở mức thấp nhất, trong đó, các tham tán thương mại được coi là một kênh thông tin chính thống./.