Đẩy mạnh xuất khẩu thép sang thị trường Camphuchia
VOV.VN -Năm 2014, Tổng Công ty Thép Việt Nam tiếp tục tổ chức lại hệ thống phân phối thép, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Báo cáo của Tổng Công ty Thép Việt Nam cho thấy, năm 2013, tổng sản lượng phôi thép đạt gần 1,2 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ. Tiêu thụ hơn 207.000 tấn, giảm hơn 17% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép cán đạt hơn 2 triệu 390.000 tấn, chỉ đạt 95% kế hoạch đề ra.
Năm 2014, ngành thép sẽ tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới (Ảnh KT Internet) |
Nhu cầu tiêu thụ thép của xã hội chưa phục hồi, hoạt động đầu tư xây dựng trong nước suy giảm mạnh, giá bán giảm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào như điện, gas, xăng dầu đều tăng giá nên tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép. Trong năm qua, hiệu quả hoạt động công ty mẹ còn thấp, chưa có lãi.
Ông Lê Phú Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp phải nỗ cắt giảm chi phí, trong đó điển hình như Công ty Gang thép Thái Nguyên giảm tiêu hao dầu FO từ 6 – 8kg/tấn, làm lợi hàng chục tỷ đồng; Công tyThép miền Nam đạt chỉ tiêu tiêu hao dầu xuống dưới 20kg dầu/tấn…nhờ đó giảm chi phí sản xuất và giá thành, tăng được sức cạnh tranh, giữ được thị phần.
Nhận định về thị trường thép năm 2014, ông Lê Phú Hưng cho rằng: “Với cung vượt hơn 2 lần cầu, năm 2014 tiếp tục khó khăn và cần phải nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh cung vượt cầu còn phải cạnh tranh hàng nhập khẩu, đặc biệt là thép giá rẻ Trung Quốc. Kế hoạch 2014 phấn đấu các doanh nghiệp phải có lãi. Do đó, cần tăng cường quản trị hệ thống, người đại diện vốn, chấn chỉnh hoạt động của đơn vị bị lỗ. Đồng thời, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu hệ thống, đặc biệt là công ty mẹ để nâng cao hiệu quả hoạt động”.
Năm 2014, Tổng Công ty Thép Việt Nam tiếp tục tổ chức lại hệ thống phân phối thép, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Campuchia, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Tổng Công ty Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ có chính sách kích cầu đối với ngành xây dựng và các ngành tiêu thụ sản phẩm thép nhằm giúp doanh nghiệp tăng sản lượng tiêu thụ, giảm chi phí để hạ giá thành. Đồng thời cần có biện pháp triệt để thực hiện quy hoạch ngành thép không để xảy ra mất cân đối cung cầu như hiện nay./.