Để nông sản Việt Nam không ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc
VOV.VN -Việc Trung Quốc siết chặt truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu buộc các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc liên kết và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trung bình, mỗi ngày có khoảng 60.000 tấn nông sản các loại từ Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lạng Sơn như: Bình Nghi, Tân Thanh, Cốc Nam và Hữu Nghị… Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn có kế hoạch kinh doanh cụ thể để tránh rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết: “Việc truy xuất nguồn gốc hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII đã tuyên truyền đến tất cả các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc nắm được quy định kịp thời, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vườn trồng”.
Muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. (Ảnh: KT) |
Nông sản, hoa quả xuất khẩu của Việt Nam sang nước bạn chủ yếu là chôm chôm, sầu riêng, thanh long, dưa hấu, nhãn, chuối quả, tinh bột sắn… Việc Trung Quốc siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc đối với nông sản nhập khẩu buộc các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc liên kết với người nông dân trong quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: “Cần tiếp tục theo sự chỉ đạo của Bộ, đàm phán thực hiện theo các vấn đề rào cản kỹ thuật và an toàn vệ sinh thực phẩm để mở thêm các trái cây có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài 8 trái cây xuất khẩu chính ngạch, sẽ tiếp tục làm hồ sơ đàm phán để mở cửa một số quả, củ khác sang thị trường này”.
Mới đây, Hải quan Trung Quốc đã đồng ý xem xét mở cửa nhập khẩu thêm một số loại trái cây Việt Nam, trong đó, sầu riêng là loại quả được ưu tiên hàng đầu, tiếp đó là bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt... Đây là thông tin đáng mừng nhưng cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng sản xuất cho phù hợp nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc./.
Giải pháp để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch