Để TPHCM trở thành TT tài chính: Câu chuyện thể chế cần được tháo gỡ
VOV.VN - Để xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính, nhiều đề xuất, hiến kế với lãnh đạo TPHCM đã được đưa ra nhằm hiện thực hóa mục tiêu.
Theo ông Peter Hồng, kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, trung tâm tài chính là “xương sống” để phát triển nền kinh tế, nhưng đến nay, sau nhiều năm vẫn chưa thực hiện bởi còn vướng ở chủ trương, chính sách.
Cụ thể, đến nay, thành phố vẫn chưa có chính sách mở về thuế, hải quan và tài chính, chưa biết cách tiếp cận dòng tiền thế giới đang chảy. Để khắc phục, ông Peter Hồng cho rằng: TP cần tạo cơ chế rộng rãi để thu hút đầu tư, tạo sự phát triển bình đẳng giữa các doanh nghiệp liên quan đến tài chính. Đồng thời, thu hút nhân tài, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tiếp cận được các tập đoàn tài chính lớn.
“Cơ chế tài chính thường là nước chảy vào chỗ trũng, do chưa tạo được chỗ trũng nên nước không chảy tới. Đây là câu chuyện lớn mà chúng ta phải nhìn dòng tiền của các nhà đầu tư đang chảy đi đâu, TP. HCM có hấp dẫn được họ hay không. Câu hỏi băn khoăn hiện nay là cơ chế đâu đó vẫn còn khó khăn. Kiều bào chúng tôi có rất nhiều người đủ kiến thức, trình độ để hợp tác với thành phố trong việc xây dựng trung tâm tài chính. Chỉ cần thành phố đưa ra “phát pháo”, có những định chế đàng hoàng thì chúng tôi sẽ về”, ông Peter Hồng cho hay.
Ông Peter Hồng cũng đề nghị thành lập quỹ tài chính kiều bào và cam kết, nếu chính sách thuận lợi thì trong vòng 3 năm quỹ sẽ thu hút 3 tỷ USD về đầu tư, xây dựng TP. HCM.
Để TPHCM trở thành trung tâm tài chính, câu chuyện thể chế cần được tháo gỡ. (Ảnh: KT) |
Ủng hộ ý tưởng này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho rằng, bà con Việt kiều luôn chắt chiu đầu tư cho Việt Nam. Dòng kiều hối gần 16 tỷ USD đổ về Việt Nam năm qua đã chứng minh điều đó. Do vậy, việc thành lập quỹ tài chính kiều bào với sự tham dự của Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán để huy động dòng tiền của kiều bào đầu tư về Việt Nam là rất cần thiết.
“Dòng tiền ngầm còn lớn lắm, tôi đề nghị thực hiện một quỹ đầu tư của Việt kiều, bảo đảm minh bạch, rõ ràng và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước là những “chân rết” làm việc này vì biết rõ dòng tiền nào sạch, dòng tiền nào là không sạch. Quỹ đầu tư này có ý nghĩa chính trị rất lớn, huy động lực lượng không phải nhằm vào tiền bạc của kiều bào mà là sự quan tâm của kiều bào đối với đất nước”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Theo Tổng giám đốc Công ty Chính phủ Quản lý quỹ Vinacapital - bà Nguyễn Thị Thuận Thái, thành phố cần có trung tâm giúp đỡ các nhà đầu tư nước ngoài về luật pháp, thủ tục giấy tờ kinh doanh… để họ có thể dễ dàng, thuận tiện thực hiện các thủ tục đầu tư. Quan trọng nhất là cần xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, cạnh tranh công bằng nhưng vẫn đảm bảo Nhà nước giám sát, không để xảy ra rủi ro.
Đặc biệt, để thành lập trung tâm tài chính, cần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, đào tạo nhân lực về quản lý tài chính, hành chính và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thuận Thái cho biết: “Mặc dù môi trường kinh doanh đã có cải thiện rất nhiều, Chính phủ đã làm rất nhiều việc nhưng hiệu quả thực sự đem lại chưa được như các doanh nghiệp mong đợi. Do đó, phải xây dựng môi trường thân thiện kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đến với TPHCM. Đó là nhiệm vụ số một của dự án xây dựng trung tâm tài chính”.
Thừa nhận tăng trưởng của TPHCM những năm gần đây chậm lại và còn nhiều tồn tại lớn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định, thể chế là vấn đề lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, TPHCM hoàn toàn có thể tiến tới xây dựng thành trung tâm tài chính quốc tế, những vấn đề vướng mắc TP sẽ báo cáo Trung ương để xin cơ chế.
“Tài chính – tiền tệ có sự kết nối với dòng chảy, dòng tiền của các nước nên việc hình thành trung tâm tài chính nếu chỉ nhìn trong phạm vi TP. HCM là không được. Vì vậy, chúng tôi sẽ mời các bộ ngành, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia và báo cáo Trung ương để xin cơ chế, trong đó có vấn đề thu hút nhà đầu tư quốc tế như thế nào”, bà Nguyễn Thị Thuận Thái nói.
Có thể thấy, định hướng phát triển TP. HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa là mong muốn chính đáng của người dân, chính quyền thành phố, trong đó có bà con kiều bào, những nhà đầu tư đầy tiềm năng ở khắp nơi trên thế giới. Bởi thực hiện thành công đề án này chính là bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ở đó kinh tế tri thức đóng vai trò nền tảng, đưa thành phố phát triển văn minh, hiện đại, năng động và giàu mạnh./.
Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ hội để thay đổi