Để tránh “thụt két” khi vào siêu thị
VOV.VN - Hàng khuyến mãi chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn “thụt két” trầm trọng.
Đã bao giờ bạn tự hỏi: không hiểu sao trước khi vào siêu thị dù đã lên danh sách những mặt hàng cần mua sắm song khi trở ra, trong giỏ vẫn phát sinh không ít món đồ “nằm ngoài dự kiến”?
Tiết lộ của chính các nhân viên siêu thị về các chiêu trò “móc túi” khách hàng dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời chính xác.
Nhà phân phối luôn có đủ mánh để "móc túi" người tiêu dùng khi mua sắm trong siêu thị
Mập mờ giá cả: Tất cả hàng hóa bày bán trong siêu thị đều ghi rõ giá cả, song nếu tinh ý, bạn sẽ nhận thấy cách tính giá hàng hóa rất đa dạng, dẫu là cùng mặt hàng. Đơn cử như kem đánh răng, sữa, nước mắm… có hãng bán theo đơn vị hộp, nhưng có hãng lại bán theo trọng lượng… Điều này khiến bạn thật sự rối trí, không biết được rốt cuộc mặt hàng nào rẻ hơn. Để đối phó với “bài” này, tốt nhất khi đi mua sắm, bạn hãy mang theo một máy tính cá nhân và đừng ngần ngại thực hiện những con tính quy đổi giá.
Trộn lẫn hàng tốt, hàng xấu: Đánh đúng tâm lý người tiêu dùng: “hàng bày bán trong siêu thị là hàng tốt, chất lượng sàn sàn như nhau” nên không ít siêu thị đã để lẫn các mặt hàng xấu, hư hỏng với hàng tốt. Các mặt hàng được siêu thị áp dụng “chiêu” này thường là thực phẩm, rau xanh: vài củ cà rốt hỏng để lẫn trong giỏ cà rốt tươi ngon; những miếng pho-mát vỡ, dập nát để cùng với hộp pho-mát còn nguyên vẹn… Thường người tiêu dùng không nhận ra và nếu có phát hiện thì cơ hội yêu cầu cửa hàng bồi thường khá thấp.
Để tránh mắc bẫy, bạn hãy tìm kiếm những mặt hàng có bao bì nhìn rõ thực phẩm bên trong, đồng thời lựa chọn hàng một cách cẩn thận.
Bày bán hàng theo cặp: Thông thường, mua hàng trong siêu thị, nếu mua sắm theo kiểu “tách” các món đồ, bạn sẽ mất nhiều thời gian tìm kiếm nhưng bù lại, sẽ mua được với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, các nhà phân phối thường không cho bạn cơ hội này bằng cách khá đơn giản là xếp các món đồ theo thực đơn ở gần nhau: bánh mì bày cạnh bơ, sữa; thịt hun khói đặt cạnh các kệ trứng… để bạn “tiện tay” nhặt nhạnh.
Và với một thực đơn hoàn chỉnh, bạn sẽ cảm thấy ngại nếu phải đi đến những gian hàng khác để so sánh giá cả. Ngược lại với “mánh” này là “chiêu” bày hàng cách xa nhau với cùng một nhóm mặt hàng. Thông thường, khi quyết định mua một chiếc bàn học, bạn sẽ mua kèm một chiếc ghế nhưng nhà phân phối lại để hai món đồ này ở hai gian hàng cách xa nhau bởi họ hy vọng trong quá trình tìm kiếm chiếc ghế, bạn sẽ bị những món đồ khác thuyết phục, sẵn sàng “vung tiền” mua thêm những thứ không thực sự cần thiết.
Đặt hàng ở “vị trí vàng”: Không phải mọi gian hàng, kệ hàng trong siêu thị đều cho thuê với giá bằng nhau mà các kệ hàng ngang tầm mắt người tiêu dùng luôn có giá cao hơn so với các kệ bày bán ở trên cao hoặc dưới thấp. Theo nguyên tắc này, các mặt hàng ở vị trí thu hút tầm mắt thường là sản phẩm đắt tiền, mẫu mã đẹp nhưng chất lượng chưa chắc đã cao hơn các sản phẩm cùng chủng loại.
Để tránh bị “chém đẹp”, bạn hãy chịu khó cúi thấp xuống hoặc rướn người cao lên, chắc chắn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền bạc.
Khuyến mãi: Tưởng như nghịch lý song hàng khuyến mãi chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn “thụt két” trầm trọng. Sự thực thì những lời quảng cáo rất hấp dẫn như “mua 3 tặng 1” chỉ khiến bạn tốn kém hơn mà thôi bởi chỉ cần mua với số lượng thấp nhất là đã đủ cho nhu cầu sử dụng của gia đình bạn.
Kích thích thói quen ăn vặt: Trước khi rời siêu thị, nhiều khả năng bạn sẽ bị “móc túi” thêm một lần nữa bởi tại quầy thanh toán, nhà phân phối thường bày bán các loại thực phẩm ăn nhanh. Trong lúc chờ đợi, bạn sẽ không ngần ngại “lót dạ” vài món và đương nhiên đấy là những khoản chi không có trong kế hoạch. Bởi vậy, cách tốt nhất để giảm chi tiêu là hãy làm bất cứ việc gì giúp bạn cảm thấy đỡ nhàm chán thay vì “ngoan ngoãn” “sập bẫy” siêu thị.
Cuối cùng, một nguyên lý ít người biết là không ít mặt hàng bày bán tại siêu thị thường được giảm giá vào cuối ngày, tầm từ 19 - 21h. Do đó, nếu không quá cần kíp, bạn hãy đến siêu thị vào sát giờ đóng cửa, khi đó bạn sẽ có thêm cơ hội lựa chọn các mặt hàng giảm giá./.