Để “vùng động lực” kinh tế của cả nước cất cánh
VOV.VN - Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò là cực phát triển ở phía Nam. Tuy nhiên, kinh tế vùng này dù tăng trưởng khá nhưng có xu hướng tăng trưởng chậm dần… Do đó, hiện vùng này rất cần có một cơ chế mới để tạo nên động lực mới, phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tăng trưởng của vùng đang chậm lại
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là “vùng động lực” tăng trưởng kinh tế của cả nước. Với 8 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và 2 tỉnh Long An, Tiền Giang ở khu vực ĐBSCL, vùng có tổng diện tích bằng 1/10 cả nước, dân số chiếm 22% dân số cả nước nhưng GRDP chiếm hơn 35% cả nước, xuất khẩu chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đóng góp ngân sách của vùng trong giai đoạn 2005 – 2020 trên 46% tổng thu ngân sách…. Những con số thống kê trên cho thấy tầm quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với nền kinh tế nước ta.
Chiếm tỉ lệ cao trong các chỉ số kinh tế quan trọng của đất nước, song tốc độ tăng trưởng của vùng đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể: Giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng kinh tế của vùng là 6,87% thì sang giai đoạn 2016 – 2020 chỉ còn 5,5%, trong khi mục tiêu đặt ra là 9 – 10%. Đóng góp ngân sách của vùng luôn đạt trên mức 54% nhưng bước vào giai đoạn 2006 - 2010 chỉ còn 46,1%. Dù Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn giữ được vị thế là đầu tàu của cả nước song đã xuất hiện xu hướng giảm dần.
“Cái chúng tôi lo nhất là nếu vùng này không còn đóng vai trò động lực thì đó là thiệt hại của đất nước chứ không phải vùng này. Và cần thấm nhuần quan điểm rằng, phát triển khai thác nguồn lực vùng là không phải vì tự thân nó mà vì sự nghiệp chung của đất nước chứ không phải là riêng nó”, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lo lắng.
Sự chững lại của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cũng được thấy rõ trong giai đoạn 2011 – 2017, năng suất lao động của vùng chỉ tăng 5%/năm, trong khi Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tăng đến 8,54%/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, số doanh nghiệp của vùng tăng gấp 6 lần, khối lượng vận tải tăng gấp 5 lần nhưng đường cao tốc thì được đầu tư nhỏ giọt, các quy hoạch đường Vành đai chưa thể triển khai khiến kinh tế của vùng không có sức bật so với tiềm năng sẵn có.
Là trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, luôn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng TP.HCM hiện nay như chỉ là một “đầu tàu hơi nước”, bởi cơ chế vận hành cũ, thể chế điều hành phát triển tỉnh và vùng kém hiệu lực và ít hiệu quả. Đầu tàu thì cũ kỹ, “đường tàu” là hệ thống giao thông lạc hậu, khiến sự kết nối kém gây tắc nghẽn trong lưu thông giữa các nguồn lực. Việc quy hoạch vùng vẫn là tư duy “mạnh ai nấy làm” trên nền tảng xin cho, gây tranh chấp, xung đột phát triển… Điều này cho thấy, câu chuyện phát triển của vùng không phải nằm trong quy mô vùng mà mang tầm nhìn, tư duy chiến lược quốc gia.
“Thể chế liên kết vùng chưa đủ mạnh, chưa đủ cơ sở pháp lý để gắn quyền lợi và trách nhiệm các địa phương trong vùng. Chủ yếu là liên kết dọc giữa Trung ương xuống địa phương, thiếu liên kết ngang giữa các địa phương trong vùng. Việc phối hợp để triển khai quy hoạch vùng chưa chặt chẽ”, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định.
Với TP.HCM, thời gian qua đã được Trung ương ưu tiên cho một số cơ chế để phát triển, như: Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù hay Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị… Nhưng thực tế vẫn còn tắc nhiều khâu. Việc phân cấp, phân quyền cho thành phố được quy định theo Nghị quyết 54, song khi làm thành phố phải hỏi ý kiến các Bộ và cuối cùng quay lại thực hiện theo các quy định của pháp luật. Chính điều này làm thành phố tăng trưởng chậm và ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng chung.
Cần đột phá về thể chế
Từ các nguyên nhân đã được chỉ ra, các chuyên gia nhận định, để tăng cường hiệu quả liên kết vùng, để vùng trở thành động lực tăng trưởng là câu chuyện ở tầm quốc gia, phải có sự quyết tâm chính trị rất lớn, sự đồng thuận, triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Trong đó, cần phải có sự đột phá hạ tầng, nguồn nhân lực và nguồn vốn… Và quan trọng nhất là có một thể chế mới đột phá về tư duy phát triển vùng thay cho tư duy kinh tế địa phương. Cần khai thác đúng tiềm năng và thế mạnh từng địa phương và lấy quy hoạch làm cơ sở pháp lý để điều phối, nâng cao vai trò của bộ máy Hội đồng vùng.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, thể chế vùng (có thể là Hội đồng vùng, Ban Chỉ đạo phát triển vùng) cần có đủ quyền để lập, triển khai, điều chỉnh, giám sát thực thi quy hoạch vùng; có quyền lựa chọn và quyết định lựa chọn dự án ưu tiên phát triển vùng, có quyền phân bổ nguồn lực, xác lập quyền lực vùng… Hội đồng này mang chức trách của Trung ương đối với các cách tiếp cận phát triển của địa phương để có thể thống nhất nguồn lực, sức mạnh…
Ông Trần Đình Thiên đề nghị cần phải trao quyền chủ động, nguồn lực nhiều hơn cho các địa phương: “Trước tiên cần phải tiếp tục trao quyền chủ động sáng tạo và trao nguồn lực nhiều hơn, trao cái tự chịu trách nhiệm phát triển nhiều hơn cho tỉnh chứ không phải chỉ chú ý cấp vùng. Cấp tỉnh chưa đủ cho nên thực lực phát triển của vùng cũng là chưa đủ. Cho nên đừng quên mà chỉ lo vùng, phải lo cho tỉnh đủ quyền chủ động, đủ tự chịu trách nhiệm thì lúc đó vai trò của vùng sẽ tăng lên”.
Đồng quan điểm với việc phải thoát ra tư duy kinh tế tỉnh mà phải là kinh tế vùng thông qua việc bố trí quy hoạch vùng, phát triển thứ tự ưu tiên, phát triển thị trường lao động chung… Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, vùng Đông Nam Bộ cần quy hoạch một vành đai công nghiệp đô thị phía Nam chạy từ Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu trong 10 – 15 năm. Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, ông từng gợi ý ở khoá trước là phải có một Phó Thủ tướng làm chỉ huy và sau này, nhiều địa phương trong vùng mong muốn Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đứng ra chỉ huy vùng. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay thì TP.HCM không phải là cấp trên mà chỉ là đồng thuận nên phải tính toán…có các chính sách đặc thù cho vùng này và đặc biệt phải có “nhạc trưởng” chỉ huy vùng.
“Nếu chỉ huy tốt thì tự thân cũng chưa cần đến nguồn lực của từ phía ngoài của Trung ương mà tự thân các nguồn lực của các địa phương cũng sẽ bố trí cùng nhau một dự án công trình, thì nó sẽ kết nối lại được. Nó cũng biến thành một xung lực mới”, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm.
Có thể khẳng định, Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển của Việt Nam về mọi mặt. Do đó, để vùng này tiếp tục là động lực phát triển của cả nước, rất cần có những chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển… Đây là những đề xuất hết sức chính đáng. Suy cho cùng, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có đầu tàu TP.HCM cất cánh thì cả nước sẽ cất cánh chứ không riêng gì 8 tỉnh, thành nằm trong khu vực trên./.