Đề xuất thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng Đông Nam bộ
VOV.VN - Trong thời gian hình thành Quỹ vùng, TP.HCM có thể tận dụng điều khoản đề xuất tại nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố.
Tại Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ diễn ra sáng nay (7/7), Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng, với nguồn vốn hỗn hợp để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trong thể chế, pháp luật hiện hành không có khái niệm pháp lý về vùng. Đây là điểm nghẽn cần phải vận dụng sáng tạo như Kết luận 14 để đề xuất. Qua các nghiên cứu, 3 điểm nghẽn của Vùng Đông Nam bộ là quy hoạch, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, giải quyết mấu chốt là vấn đề thể chế. Tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra một số thể chế quan trọng như Hội đồng vùng, quy hoạch vùng, các dự án trọng điểm vùng và cơ chế liên kết vùng liên quan đến quỹ đầu tư về hạ tầng.
Qua phân tích hiện nay có thể có 2 lựa chọn. Thứ nhất là TP.HCM và các tỉnh trong vùng có thể thành lập quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng. Nhưng đến thời điểm này, trong khuôn khổ qui định không cho phép địa phương huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các hoạt động có tính chất vùng.
Trong trường hợp xin thí điểm sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế chính sách phát triển TP.HCM, chỉ có duy nhất TP.HCM có cơ chế sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư vào các dự án Vùng. Thứ hai là phương án có thể do Thủ tướng Chính phủ thành lập và trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ đang trong quá trình thành lập.
Qua phân tích, ông Vũ cho rằng có thể chọn phương án Chính phủ thành lập quỹ và gắn với Hội đồng điều phối vùng để huy động nguồn lực; đảm bảo được tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương và các bên liên quan. Nếu được thiết kế phù hợp, Quỹ trở thành cơ sở và công cụ hiệu quả để phát huy vai trò của Hội đồng điều phối vùng. Với phương án này, TP.HCM và các tỉnh cần chuẩn bị kiến nghị để hình thành ý tưởng các dự án hạ tầng giao thông ưu tiên ở từng giai đoạn để đề xuất.
Cũng theo ông Trương Minh Huy Vũ, trong thời gian hình thành Quỹ vùng, TP.HCM có thể tận dụng điều khoản đề xuất tại nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM. Đó là “HĐND Thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa thành phố và địa phương khác; Các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn thành phố; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong trường hợp cần thiết” để thực hiện các công trình mang tính chất vùng, liên vùng.
“Nếu thực hiện các dự án liên vùng, tạm thời TP.HCM có thể linh hoạt sử dụng Nghị quyết 98 của TP.HCM để xử lý trước một số dự án quan trọng, cấp bách phục vụ cho phát triển chung của vùng Đông Nam bộ trước khi có cơ chế rộng khắp mang tính vĩ mô hơn”, ông Vũ cho biết.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết 24 tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu vào tháng 11/2022, ông đã đề xuất cơ chế này và Ngân hàng thế giới rất ủng hộ. Sau đó, trong kết luận Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, nhưng việc này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Theo ông Phan Văn Mãi, có thể đề nghị các tỉnh trong vùng có cơ chế như thành phố là bổ sung một phần ngân sách và đàm phán thêm với các nhà tài trợ quốc tế, cộng đồng DN trên địa bàn triển khai. Hoặc có thể xin cơ chế các tỉnh trong vùng giao một địa phương làm đầu mối xây dựng quĩ, có quy chế hoạt động.