Dẹp nạn thổi giá, tạo “bong bóng” bất động sản bằng cách nào?
VOV.VN - Chiều nay 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
Thảo luận tại Hội trường hôm nay (28/10), các đại biểu Quốc hội nêu hàng loạt vấn đề của thị trường bất động sản, trong đó có hiện tượng tăng giá ảo, tạo "bong bóng" bất động sản của nhóm lợi ích. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, đã đến lúc đánh thuế đối với cá nhân có nhiều nhà đất.
Cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản
Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, Báo cáo và dự thảo Nghị quyết giám sát đã đánh giá và đưa ra phương án giải quyết quyền lợi của người dân, doanh nghiệp về thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ông Hoàn cho rằng, cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản. Đây là vấn đề rất phức tạp, bởi khó có thể có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp.
"Với tinh thần không hợp thức hóa sai phạm và phải tìm cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực nhưng vẫn đúng luật là một vấn đề khó và phải cần được cụ thể hóa, sớm có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền", ông Hoàn nói.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, cần phải xác định là nếu hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã xem xét, tổng kết thi hành pháp luật và không thấy không có vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thì phải triệt để cưỡng chế, khắc phục vi phạm.
"Còn nếu xem xét, thấy thực sự do pháp luật không phù hợp mà cần sự chỉnh sửa, bổ sung và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì nên hồi tố để miễn trừ trách nhiệm. Cần có giải pháp để hài hòa lợi ích, đặc biệt đến chú trọng đến lợi ích của người dân, cộng đồng và Nhà nước", ông Hoàn đề xuất.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Lê Thanh Hoàn, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cũng cho rằng, không nên hợp thức hóa những sai sót, nhưng cũng không hình sự hóa vấn đề trước đây.
"Bản chất của người dân khiếu kiện là muốn quyền lợi về nhà ở, chứ không muốn đưa vụ việc để có khi chủ đầu tư bị khởi tố hoặc có khi liên lụy đến các đồng chí ở địa phương. Có những người đã cống hiến, chỉ còn một, hai tháng nữa về hưu, thì lại dính vào lao lý do đã ký cách đây hơn 10 năm, trong khi vi phạm chỉ vì chính sách khi đó chưa rõ ràng", ông Huân nói.
Ông Huân cũng cho biết, thời điểm này nhìn lại 10 năm trước thì rất dễ, nhưng vào thời điểm đó thì khó.
"Giống như 10 năm sau nhìn vào thời điểm hiện nay rất dễ, nhưng trong thời điểm hiện nay có những quyết định 50-50% thì không thể không suy xét", đại biểu Huân phân tích và đề nghị, trong Nghị quyết có thể đưa ra cơ chế làm sao một mặt thượng tôn pháp luật, nhưng mặt khác giữ được tinh thần nhân văn Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta phân loại, dự án nào cố tình gây lãng phí thì xử lý, còn có những dự án bất cập thì cần phải xem xét", đại biểu Huân nêu ý kiến.
Định giá đất đang là vướng mắc chính đối với thị trường bất động sản
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, vấn đề định giá đất trong thực tiễn đang là vướng mắc lớn, vướng mắc chính đối với thị trường bất động sản. Nhưng nội dung giải pháp liên quan tại điểm a khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết chỉ mang tính định hướng.
“Tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó có công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan”, ông An nói.
Theo ông An, thực tiễn xác định giá đất đã và đang đặt ra những vấn đề rất cụ thể như “không có đơn vị tư vấn nào chịu tham gia tư vấn định giá đất cho địa phương; xác định lại giá đất cho những dự án từ 5-10 năm trước là khó; hoặc những dự án đáng lẽ phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng lại chỉ định thầu thì giờ phải xác định lại giá đất như thế nào, căn cứ vào đâu, dùng giá đất của Nhà nước hay cho đấu giá, đấu thầu lại…”.
Ông An khẳng định, xác định lại giá đất cho 5-10 năm trước là việc quá khó khăn. Bởi thị trường có tính thời điểm đã đi qua, giá qua trung gian (môi giới) không thể kiểm soát, hợp đồng thì kê khai thì không đúng với giao dịch thực. Rất khó để lựa chọn phương pháp xác định kết quả dùng cho định giá đất để Nhà đầu tư, Nhà quản lý và các bên liên quan khác yên tâm là không “làm thất thoát ngân sách nhà nước”.
Do vậy, ông Nguyễn Văn An cho rằng, cần phải rà soát, hoàn thiện các giải pháp theo hướng cụ thể hơn, có mốc thời gian thực hiện rõ ràng để tháo gỡ các vướng mắc.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về việc không hợp thức hóa các vi phạm để nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi pháp luật. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần lấy ý kiến của các cơ quan của Chính phủ và có hướng dẫn cụ thể về việc hợp thức hóa các vi phạm.
"Thực tế ở các địa phương sẽ rất là lúng túng vì không biết là thế nào là hợp thức hóa các vi phạm", đại biểu An nhấn mạnh.
Đã đến lúc chín muồi để đánh thuế đối với cá nhân có nhiều nhà, đất
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhìn nhận từ góc độ thị trường, giá bất động sản dĩ nhiên sẽ có chu kỳ lên xuống, việc cần làm là duy trì nhịp độ, giữ tính quy luật, hạn chế những tăng giảm đột ngột, bất thường.
“Trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra sân chơi, môi trường bình đẳng cho thị trường bất động sản”, ông An nhấn mạnh.
Theo đại biểu An, nhìn nhận giá đất theo biến động thị trường bất động sản vừa qua, không hẳn giá đất cao là không tốt, giá đất thấp là tốt, mà còn tùy vào mức độ cao thấp với từng phân khúc để phân tích, có phản ứng chính sách phù hợp giúp tăng thu ngân sách, đầu tư một cách tập trung và hợp lý.
Chính vì vậy, ông An đề nghị “cần quan tâm và có chính sách tập trung vào phân khúc đất, nhà ở từ 2,5 tỷ đồng trở xuống, tránh đầu tư dàn trải”.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị đảm bảo công khai, minh bạch trong thị trường, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch bất động sản.
Đối với nghĩa vụ thuế, ông An cho biết, đề xuất nhiều lần về việc thiết lập thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản, giờ đây là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này.