Dệt may chưa có động lực tăng trưởng những tháng cuối năm
VOV.VN - Tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may sẽ tương đương 6 tháng đầu năm, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm từ các mùa lễ hội cuối năm.
8 tháng qua, lĩnh vực dệt may tiếp tục đối mặt với những khó khăn trên mọi phương diện. Xung đột địa chính trị nhiều nơi trên thế giới đã gây ra khủng hoảng về năng lượng khiến lạm phát tăng cao dẫn đến lực cầu thấp, các quốc gia đều giảm nhập khẩu do chính sách tiền tệ thắt chặt. Cùng với đó, sức cạnh tranh từ các quốc gia đối thủ ngày càng khốc liệt khiến lượng hàng tồn kho của các DN dệt may tăng cao, đơn hàng giảm đáng kể cả về số lượng và đơn giá đã làm nhiều DN mất cân đối về dòng tiền và nguồn vốn.
Nhận định về thị trường ngành may, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024. Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm.
“Với thị trường sợi quý III vẫn ở mức thấp tương đương quý II, quý IV cầu và giá sợi sẽ cải thiện nhẹ trên nền giá bông và xơ đầu vào, do đó các DN sợi có thể sẽ giảm bớt thua lỗ khi giá bông cao đã dùng hết, trong khi giá sợi gần như sẽ không biến động”, ông Vương Đức Anh thông tin.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn cả về thị trường và sản xuất kinh doanh, Vinatex cùng nhiều DN trong ngành đã đề ra các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại các đơn vị trọng yếu, đảm bảo năng suất, sức cạnh tranh để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Về phía tập đoàn, ông Cao Hữu Hiếu, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, để ứng phó với khó khăn, tìm hướng đi cho những tháng cuối năm 2023, Tập đoàn đã đề ra 5 giải pháp, trong đó đặc biệt kiên định hình thành chuỗi sản xuất. Đồng thời tiếp tục làm tốt và nâng tầm khả năng dự báo về thị trường hàng dệt may.
Bên cạnh đó, Vinatex cũng kiểm soát và đảm bảo khả năng thanh toán tài chính, đặc biệt với các DN sợi gặp khó khăn. Nâng cao năng lực thu xếp nguồn vốn; thực hiện tốt các chính sách liên quan đến người lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập bình quân và các chính sách phúc lợi khác; đẩy mạnh việc tổ chức các lớp đào tạo nội bộ và kiểm soát tốt việc ứng dụng sau đào tạo.
“Tập đoàn thực hiện chặt chẽ việc tiết giảm chi phí sản xuất, đẩy nhanh áp dụng quản trị số cho các hoạt động cốt lõi như tài chính kế toán, nhân sự… Đối với đơn vị thành viên, đơn vị làm sợi cần phối hợp với Ban sản xuất kinh doanh sợi xác định thời điểm mua bông tối ưu; chủ động tìm kiếm thị trường, cân đối tiêu thụ hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa kết quả và khả năng thanh toán. Các đơn vị làm may cần phối hợp với Ban sản xuất kinh doanh may xác định chương trình hành động, thực hiện kế hoạch những tháng cuối năm và trong năm tiếp theo”, ông Hiếu nêu phương hương tối ưu.
Theo nhiều DN ngành dệt may, từ những khó khăn chung của ngành, bản thân các DN cần tiếp tục bám sát thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, tập trung vào khách hàng đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao; quy hoạch lại thị trường dệt may, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Với ngành may, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện gia công, tiếp tục sản xuất những sản phẩm chất lượng cao.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho rằng, các DN cần xác định linh hoạt trong điều hành, cấu trúc lại DN, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức sản xuất sản phẩm không phải là sản phầm truyền thống trong ngắn hạn. Quan trọng nhất ở thời điểm này là các DN cần cắt giảm toàn bộ chi phí khác, bảo toàn lực lượng lao động, đảm bảo đủ tiền lương cho người lao động…
Nhìn nhận các giải pháp để gỡ khó, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh trọng yếu, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex chỉ ra giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn kéo dài được các các DN cùng xác định, đó là tập trung xóa đơn vị năng suất thấp; sẵn sàng làm ở nhiều thị trường có đơn hàng nhỏ lẻ, giao hàng gấp và khách hàng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm chất lượng phục vụ khó.
“Các DN tổ chức sản xuất linh hoạt gắn với tái cấu trúc nhân lực, đảm bảo chất lượng người đứng đầu. Đặc biệt áp dụng hệ thống quản trị số để đáp ứng yêu cầu khách hàng nhanh nhất, thu hẹp khu vực không có giải pháp cải thiện một cách có tính toán để hạn chế thiệt hại. Đồng thời tìm kiếm sản phẩm cao cấp giảm phụ thuộc lao động, nhưng tập trung giữ chân lao động có chất lượng", ông Lê Tiến Trường cho hay.
Thị trường dệt may những tháng cuối năm hiện chưa có gì khởi sắc so với giai đoạn trước nhưng cũng sẽ không thể xấu hơn, bởi đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua. Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, nguy cơ trong thời gian gần chính là giảm số lượng hàng hóa, gây áp lực lớn lên hệ thống sản xuất đang có sẵn.
“Hiện nay, hơn 1/2 khách hàng của Vinatex đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may sẽ tương đương 6 tháng đầu năm. Ngành sợi đã vượt đáy khó khăn nhưng vẫn mang tính rủi ro cao do nhu cầu chưa tăng rõ rệt. Những đơn vị nào chuẩn bị nguyên liệu và tổ chức sản xuất tương đối tốt mới hạn chế được thiệt hại”, ông Lê Tiến Trường lưu ý.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 3,81 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ, tăng 6,2% so với tháng 6/2023. Lũy kế 7 tháng 2023, xuất khẩu dệt may đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022.
Tính đến hết 7 tháng 2023, chỉ có thị trưởng Nhật Bản tăng so cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,23 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước. Riêng thị trường Mỹ, EU và Hàn Quốc đều lần lượt giảm 24%, 10% và 7,7% so với cùng kỳ 2022. Thị trường Trung Quốc mặc dù có tháng 7 có mức tăng trưởng tốt, nhưng lũy kế 7 tháng vẫn giảm 10% so với năm 2022.