Dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu
(VOV) -Các doanh nghiệp dệt may tích cực tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi, Trung Đông...
Khi nhu cầu tiêu dùng của các thị trường Mỹ, EU có xu hướng giảm sút, các doanh nghiệp dệt may đã tích cực tìm kiếm cơ hội gặp gỡ những đối tác mới, mở rộng thị trường xuất sang Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực châu Phi, Trung Đông...
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2013 đạt 3,7 tỉ USD, tăng trưởng 18,3%. Đặc biệt, xuất khẩu các mặt hàng may mặc của Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt tại các thị trường mới.
Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, trong quý I năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 111,4 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Campuchia là nước đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, với kim ngạch đạt 45,7 triệu USD, tăng 103% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại một số thị trường khác cũng có mức tăng trưởng mạnh như Nigeria tăng 1.200%, Na Uy tăng 134,6%, New Zealand tăng 120%, Úc tăng 37%.
Tuy nhiên, với những dự báo về kinh tế thế giới năm 2013 và những khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp cần củng cố lại hoạt động sản xuất, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu truyền thống, duy trì bạn hàng lâu năm như EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, đây là một thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp dệt may phải có phương án phân bổ năng lực sản xuất phù hợp; đồng thời tiếp tục cắt giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, nâng cao năng suất để giảm giá thành và tăng thu nhập cho người lao động.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm phải tăng thêm 2 tỷ USD, các doanh nghiệp cần tích cực chú trọng đến việc cải thiện năng suất lao động, nghiên cứu đầu tư cho mô hình sản xuất hàng FOB, đẩy mạnh mô hình trao đổi liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải tiếp tục củng cố vị thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, đi vào sản xuất những mặt hàng có yêu cầu cao về kỹ thuật, có chất lượng khá và cao, tận dụng khả năng linh hoạt trong việc đáp ứng đơn hàng quy mô nhỏ và vừa với thời gian giao hàng tương đối gấp để hình thành nên những đặc thù thị trường ngành dệt may trong thời gian tới./.