Điều chỉnh tổng thể quy hoạch 115 đồ án với diện tích gần 16.500 ha
VOV.VN - Đến nay trên địa bàn TP HCM cơ bản đã phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 với khoảng 93% diện tích các khu vực đô thị...
Chiều 28/11, HĐND TP HCM có buổi giám sát về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị tại UBND TPHCM.
Đến nay trên địa bàn TP HCM cơ bản đã phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 với khoảng 93% diện tích các khu vực đô thị, gồm 600 đồ án có tổng diện tích hơn 88.000 ha. Theo báo cáo của UBND TP HCM, kết quả rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 đã xác định một số khu vực quy hoạch thiếu tính khả thi, kéo dài thời gian thực hiện gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Ảnh minh họa/KT
Đối với các dự án được giao đất, chấp thuận địa điểm đầu tư nhưng chậm triển khai, gây ra tình trạng quy hoạch treo kéo dài, UBND thành phố đã huỷ bỏ quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án với diện tích gần 6.000 ha và điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích 33,84 ha của 10 dự án.
Tại buổi giám sát, các đại biểu nêu lên những vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc như vấn đề quy hoạch và thẩm định quy hoạch còn tồn tại nhiều bất cập, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai, kéo dài chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc khiếu kiện.
Một vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra là tỷ lệ người dân nhận nhà tái định cư nhưng lại chuyển nhượng khá cao do nhiều nguyên nhân: chất lượng nhà tái định cư không đảm bảo, việc ổn định cuộc sống sau tái định cư khó khăn do không có quy hoạch về phát triển kinh tế, chưa tạo được công ăn việc làm cho người dân tại nơi ở mới.
Trả lời các câu hỏi nêu trên của đoàn giám sát, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, nguyên nhân do công tác đền bù, giải toả hiện nay có nhiều yếu tố phức tạp, thành phố có chính sách về việc làm, đào tạo nghề để hỗ trợ cho người dân cũng như thực hiện giá bồi thường theo cơ chế hiện nay. Một vài trường hợp chậm triển khai kéo dài nhiều năm gây ra bức xúc, khiếu kiện của người dân đã có sự vào cuộc của thanh tra và các cơ quan đang nghiên cứu có hướng giải quyết dứt điểm.
"Việc này thành phố thấy rằng phải có một cơ quan quyết định vấn đề này bởi đây là vấn đề phức tạp. Càng về sau chính sách nhà nước có thay đổi, có những quy định chặt chẽ hơn thì khiếu kiện của người dân có giảm.” - ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm./.
Quản lý đất quanh sân bay Long Thành khó vì chưa có quy hoạch cụ thể?
Quy hoạch bất cập biến TPHCM như “cây mai trồng trong chậu”