Ế ẩm… văn phòng cho thuê
(VOV) - Nhiều chủ nhà đã chú trọng dịch vụ, hạ thấp giá, nhưng nhiều văn phòng cho thuê đang lâm vào cảnh ế ẩm.
Sau thời gian dài được xem là mảng kinh doanh bất động sản nhiều tiềm năng, 2 năm trở lại đây, do khó khăn chung của nền kinh tế, văn phòng, cửa hàng cho thuê đang lâm vào tình trạng ế ẩm.
Tọa lạc ngay mặt đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi có mật độ dân số đông với nhiều công sở, trường học nhưng tòa nhà văn phòng Đức Đại với khoảng 1000 m2 sàn hiện chỉ có một nửa diện tích được thuê.
Nhiều tòa nhà làm văn phòng cho thuê ế ẩm trước nhu cầu thuê giảm mạnh. |
Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ tòa nhà văn phòng này cho biết, cách đây 2 năm chị đã đầu tư gần 20 tỷ đồng, xây tòa nhà 10 tầng với mục đích cho thuê. Tính toán ban đầu, nếu thuê hết toàn bộ diện tích, mỗi tháng chị có thể thu về hàng trăm triệu đồng... Tuy nhiên, khi tòa nhà đi vào sử dụng, đúng thời điểm kinh tế khó khăn, sau nhiều lần giảm giá, hiện tại chị mới chỉ cho thuê được một nửa toà nhà.
“Tiền đầu tư xây nhà, văn phòng cho thuê bây giờ nói chung là không ăn thua. Các công ty thuê làm văn phòng ngày trước thuê diện tích hàng trăm mét thì nay chỉ thuê vài chục mét, các phòng có diện tích lớn rất khó có công ty thuê. Tại tòa nhà phí dịch vụ hầu như là không có và nếu có tính cũng chỉ là tính rất thấp, ngay cả tiền gửi xe nhiều khi mình cũng khuyến mại. Bên cạnh đó, khi các công ty không làm ăn được, họ trả lại văn phòng bất cứ lúc nào bên cho thuê cũng phải chấp nhận” - Chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Dọc nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, hiện có rất nhiều tòa nhà treo biển “Văn phòng cho thuê”… nhưng trên thực tế, chỉ một diện tích rất nhỏ ở tầng 1 được khách hàng đặt thuê, chủ yếu là ngân hàng. Còn lại các diện tích tầng trên đều đang trống. Mặc dù nhiều chủ nhà đã hạ thấp giá thuê nhưng nhìn chung các văn phòng cho thuê đều lâm vào cảnh ế ẩm.
Phân khúc mặt bằng bán lẻ gồm các cửa hàng mặt phố, ki-ốt, sàn kinh doanh... cũng đang trong tình trạng ế ẩm chung. Do vắng khách thuê, giá chào thuê liên tục xuống dốc nhưng rất nhiều cửa hàng vẫn phải đóng cửa, trả lại mặt bằng.
Ông Nguyễn Thế Dũng, chủ một cửa hàng cho thuê ở phố Huế, quận Hoàn Kiếm cho biết, trước đây giá thuê 25 triệu đồng/tháng nhưng giờ giảm xuống chỉ còn 18 triệu mà vẫn chưa có ai hỏi tới:
“Khi khách hàng vào hỏi thuê, mình phải giảm giá nhiều chứ, giảm tới 20% so với 3 năm về trước mà cũng còn rất khó, đã 2 tháng nay không có ai thuê. Nhiều nơi khác cũng không thể cho thuê được bởi vì người thuê làm cửa hàng nhưng không bán được hàng. Mặc dù đã ký hợp đồng thuê 5 năm nhưng 3 năm họ trả thì cũng phải chấp nhận vì họ cũng như mình, không bán được thì tất nhiên phải xin rút” – Ông Dũng phân trần.
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn Công ty Savill Việt Nam cho biết, hiện nay, tổng diện tích văn phòng cho thuê tại Hà Nội vào khoảng hơn 1 triệu mét vuông, tăng 17% so với năm 2011. Nhưng nhu cầu của thị trường chỉ đạt 80%. Tức là khoảng 200.000 m2 diện tích mặt bằng còn bỏ trống. Do ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn, các tổ chức, cá nhân thuê nhà cũng phải tính đến việc cắt giảm chi phí như thu hẹp diện tích văn phòng và tìm những chỗ giá rẻ.
“Việc giảm giá không phải là tất cả để giữ chân được khách, để duy trì được công suất của mỗi tòa nhà. Ngoài việc cải thiện dịch vụ cho mỗi tòa nhà, chủ nhà cũng phải hợp tác với khách thuê để xem khách thuê không hài lòng ở những điểm nào để làm tốt hơn nhằm giữ chân khách. Có thể nói, thị trường bây giờ là thị trường của người thuê, người mua. Giảm giá không phải là cách duy nhất để có thể giữ chân được khách, phải làm nhiều cách chuyên nghiệp hơn” - Bà Đỗ Thu Hằng cho khuyến cáo.
Với diện tích văn phòng cho thuê ngày càng tăng, trong khi, theo dự báo nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn thì thị trường văn phòng cho thuê trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực./.