Gói 30.000 tỷ: Tăng thời gian vay có tăng tốc độ giải ngân?
VOV.VN - Theo các chuyên gia bất động sản, việc tăng thời hạn cho vay cũng không làm tốc độ giải ngân gói này tăng đột biến.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân vay tiền mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề xuất với Thống đốc NHNN nghiên cứu kéo dài thời hạn cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân từ 10 năm lên 15 năm. Vậy việc tăng thời hạn cho vay có thể thúc đẩy tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hay không?
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, tăng thêm thời gian cho người dân vay mua nhà là cần thiết. Thời hạn cho vay chỉ đến 10 năm như hiện nay, mỗi tháng người thu nhập thấp phải trả số tiền quá cao.
Ông Điệp cũng chỉ rõ, những người đã vay được tiền mua nhà thời gian qua đều có mức thu nhập khá cao, có khi 2 vợ chồng có tổng thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/ tháng, có vậy họ mới trả được khoản tiền 6 - 7 đồng triệu hàng tháng. Như vậy, đối tượng thu nhập thấp thực sự khó tiếp cận nguồn vốn này.
“Mức thu nhập của người dân, đặc biệt là cán bộ công chức hiện nay là rất thấp, nếu chỉ tăng thời hạn 15 năm có thể vẫn không khả thi, mà phải là 20 năm. Đấy cũng đã là những tháo gỡ nhưng nhu cầu cũng chưa thể nào phát triển quá theo kỳ vọng của các nhà quản lý. Nếu các nhà quản lý cứ đưa điều kiện chặt chẽ quá thì gói hỗ trợ sẽ không đúng, chệch đối tượng”, ông Nguyễn Thế Điệp nói.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc kéo dài thời hạn cho vay mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, cũng như giảm lãi suất xuống 5% và dần tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính là nỗ lực lớn của NHNN và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, không vì thế mà việc giải ngân gói tín dụng này sẽ tăng đột biến.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: Thủ tục được gỡ vướng, gói tín dụng trở nên hấp dẫn hơn, nhưng nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu thì người dân có vay được tiền cũng chưa biết mua nhà ở đâu.
Ông Phạm Sỹ Liêm đề nghị: Cần khuyến khích loại nhà thương mại giá rẻ phát triển và người dân có thể vay tiền từ gói 30.000 tỷ để mua loại nhà này.
“Tăng thời hạn vay sẽ tăng thêm sức thu hút cho khoản vay này, thế nhưng đó vẫn không phải là điều căn bản. Cái căn bản là hiện nay là chưa nhiều lựa chọn cho người mua nhà ngoài nhà ở xã hội. Nên chăng cần phát triển loại nhà giá phổ cập, ai muốn mua cũng được, người thu nhập trung bình vay ít thôi, vay ngắn, người thu nhập thấp thì phải vay lâu. Do đó, mô hình nhà thương mại cần phải được khuyến khích phát triển ở nhiều nơi”, ông Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.
Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, cả nước cần khoảng gần 1 triệu căn hộ nhưng hiện tại mới đáp ứng được trên 30.000 căn. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ về cơ chế, chính sách để có những thay đổi mạnh dạn, tạo ra tính đột phá cho một chương trình nhà ở đang được rất nhiều người dân kỳ vọng./.