Giải ngân gói 30.000 tỷ đồng: Nhiều giải pháp, vẫn nghẽn
VOV.VN-Chính quyền địa phương và ngân hàng chưa thực sự vào cuộc, gói tín dụng này sẽ chưa thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân...
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đã triển khai được 6 tháng, tuy nhiên tiến độ vẫn rất chậm. Tính đến ngày 15/11, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở là 400,7 tỷ đồng, tức là được hơn 1%.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 18, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07 trước đó về hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, nhằm mở rộng đối tượng vay vốn, nới lỏng điều kiện, thủ tục cho vay. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những vướng mắc căn bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết.
Quy định “có cũng như không”…
Bên cạnh việc chứng minh thu nhập, làm giấy xác nhận tình trạng nhà ở tại địa phương nơi cư trú là một trong những loại thủ tục hành chính phức tạp, rắc rối đối với người dân khi muốn vay tiền mua nhà ở xã hội.
Người dân vẫn khó tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng (Ảnh: Xuân Thân/VOV online) |
Chị Bùi Tố Hương, ở quận Long Biên, Hà Nội đã phải đi đi lại lại đến cả tháng trời mới xin được giấy xác nhận chưa có nhà của phường. Thế nhưng, chủ đầu tư lại cho rằng, giấy xác nhận của phường chưa đầy đủ. Chị Hương cho biết: đồng nghiệp của chị cũng gặp những trường hợp tương tự, như phường chỉ xác nhận là chưa có nhà tại tổ dân phố đang ở, còn chủ đầu tư lại yêu cầu xác nhận chưa có nhà trên địa bàn phường. Khi đó, người dân chỉ biết “ngậm ngùi” bỏ cuộc, chứ không thể yêu cầu phường xác nhận theo đúng ý chủ đầu tư.
Theo các chuyên gia, Thông tư 18 chủ yếu mới chỉ mở rộng đối tượng thuộc diện được vay vốn mua nhà, còn chưa tháo gỡ được những vướng mắc trong giấy tờ, thủ tục như việc chứng minh khả năng trả nợ, xác nhận tình trạng nhà ở rất phức tạp, mất nhiều thời gian.
Thông tư 18 không yêu cầu người vay vốn phải xác nhận điều kiện thu nhập, nhưng lại nêu rõ trừ trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng. Quy định “có cũng như không” này khiến cho người mua nhà thất vọng, vì ngân hàng nào cũng yêu cầu chứng minh thu nhập.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích: “Thực hiện quy định đó mà lại phụ thuộc vào sự cho phép của ngân hàng thì tạo cơ hội không ủng hộ người nghèo. Theo tôi, hoặc là xác nhận hoặc không xác nhận, trường hợp nào phải xác nhận, trường hợp nào không phải xác nhận phải được quy định rõ ràng.”
Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng vẫn ì ạch còn là bởi người thu nhập thấp thực sự khó có thể trả được cả gốc cộng lãi với lãi suất 6% hàng tháng. Chẳng hạn, thu nhập 2 vợ chồng khoảng 8 triệu đồng/tháng, vay 300 triệu đồng mua nhà thì mỗi tháng sẽ phải trả ngân hàng gần 5 triệu đồng. Bài toán ấy khiến ngân hàng chỉ chấp nhận cho vay với những người có thu nhập khá cao để có khả năng trả nợ.
Nhà nước cũng nên chịu thiệt
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, lãi suất 6% và thời gian trả trong 10 năm dành cho người mua nhà là chưa phù hợp: “Nếu 6%, cho bên kinh doanh bất động sản vay là phù hợp, nó rẻ vì ra ngoài thị trường phải 9-10%. Còn đối với người dân đi vay, nên hạ hơn nữa, nếu được thì chỉ khoảng 3%. Thời hạn vay phải dài ra hơn nữa. Ở đây đã gọi là giúp ưu đãi nhưng Nhà nước cũng phải chịu thiệt chứ nếu muốn hoàn toàn bảo toàn vốn thì e là không làm được”.
Cả nước hiện cần hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nguồn cung nhà ở xã hội hiện đang rất thiếu và không thể nhanh được vì việc phát triển nhà ở xã hội là dài hạn, các doanh nghiệp cũng không mặn mà do đầu tư nhà ở xã hội không nhiều lợi nhuận bằng đầu tư các loại nhà ở khác.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Các thủ tục yêu cầu giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng này là bắt buộc, vì đây là hỗ trợ, nếu không làm chặt, sai đối tượng dẫn đến lợi dụng, tham nhũng, gây thất thoát, dư luận không đồng tình. Nhưng không phải vì làm chặt mà làm chậm. Những ai có nhu cầu thì phải được hỗ trợ, trách nhiệm này không chỉ riêng Bộ Xây dựng mà Ngân hàng và các địa phương phải vào cuộc”.
Như vậy, mặc dù Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực mở rộng đối tượng, nới lỏng quy định, nhưng khi những vướng mắc căn bản vẫn chưa được tháo gỡ, chính quyền các địa phương chưa thực sự vào cuộc và làm hết trách nhiệm, thì gói 30 nghìn tỷ sẽ chưa thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân./.