Kiến nghị xây dựng chiến lược quốc gia ngành bán lẻ Việt Nam
VOV.VN - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op kiến nghị xây dựng chiến lược quốc gia ngành bán lẻ Việt Nam để có thể phát triển trong hội nhập.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho rằng, sau 9 năm vào WTO, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đứng trước cơ hội và đối diện thách thức to lớn. Hiện nay, sự phát triển lớn mạnh thị trường bán lẻ hiện đại đã chiếm 25% thị trường bán lẻ Việt Nam, khắc phục dần hạn chế của thị trường bán lẻ truyền thống về khả năng kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, bán lẻ hiện đại cũng đang về các vùng nông thôn ngày càng nhiều.
Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op kiến nghị xây dựng chiến lược quốc gia ngành bán lẻ Việt Nam. (Ảnh: Internet) |
Các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế ngày càng vào Việt Nam nhiều hơn, công cụ hữu hiệu để họ vào là qua việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
Trong vai trò Chủ tịch của Sài Gòn Co.op, ông Dũng nêu thách thức với thị trường bán lẻ Việt Nam và cho rằng, nếu không nhận thức rõ thách thức này thì thua ngay trên sân nhà, không gian kinh tế Việt Nam bị thu hẹp.
Nêu cụ thể các thách thức, ông Dũng cho hay: Thứ nhất, các nhà thương thảo hiệp định song phương đa phương biết rằng doanh nghiệp Việt Nam non trẻ, thị trường non trẻ. Việt Nam đã đạt nhiều thỏa thuận song phương và đa phương trong đó có việc dành thời gian nhất định để ta bảo vệ doanh nghiệp trong nước, thị trường bán lẻ trong nước, nhưng việc triển khai cụ thể hóa việc này trong thự tế còn chậm. “Chúng ta không ngại cạnh tranh công bằng, ta đang thế yếu thì cần tận dụng bằng được những gì ta thương lượng được. Ở các hiệp định song phương, đa phương, các quốc gia họ có thế mạnh gì thì đều tìm cách bảo vệ. Ví dụ như sở hữu trí tuệ, nhiều nước họ triển khai công cụ bảo vệ rất nhanh trong thưc tế. Việt Nam không triển khai nhanh là vì sao? Mong Chính phủ sớm có giải pháp để triển khai các công cụ bảo vệ này”- ông Dũng nhấn mạnh.
Thứ hai, công cụ để giữ vững thị tường bán lẻ, và đẩy nhanh mở rộng quy mô thị phần bán lẻ là qua sáp nhập và mua bán doanh nghiệp. Điều này rất thuận lợi với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, nhưng doanh nghiệp trong nước muốn làm một thương vụ thì đầu tiên là phải xin được giấy phép để ra nước ngoài thực hiện giao dịch mua bán doanh nghiệp. Trong khi đó, việc này bản than Sài Gòn Co.op đang vướng.
Tình huống cụ thể của Sài Gòn co.op là đã lọt vào tốp 2 nhà đầu tư “đấu” mua lại Big C Việt Nam. Nhưng hiện tại vẫn đang rất vướng thủ tục để ra nước ngoài “thi đấu”. Trong khi đó đối thủ là công ty phía Thái Lan đang có lợi thế về thủ tục.
Vì thế, ông Dũng kiến nghị Chính phủ cho xây dựng chiến lược quốc gia ngành bán lẻ Việt Nam. Đồng thời, xây dựng 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam có thực lực phát triển mạnh để cạnh tranh với nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đẩy nhanh việc ra các chính sách, công cụ cụ thể để bảo vệ doanh nghiệp bán lẻ, thị trường bán lẻ trong nước khi các hiệp định song phương và đa phương có hiệu lực./.