Mua nhà thu nhập thấp còn bị gây khó dễ
(VOV)-Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, do các cơ quan thực thi không làm tròn nhiệm vụ được giao, gây khó cho người dân.
Sẽ được chuyển nhượng nhà ở xã hội sau 5 năm
Hiện nay, theo Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/4/2009, về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, người được mua nhà ở xã hội chỉ được mua – bán sau khi đã nhận nhà được 10 năm. Trong khoảng 10 năm đó, vẫn được mua – bán nhưng chỉ được bán cho chủ đầu tư để bán lại cho người khác hoặc cá nhân khác đủ điều kiện mua nhà thu nhập thấp.
Khoảng thời gian ràng buộc này đang là một rào cản quan trọng trên thị trường đối với phân khúc nhà ở này. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua được nhà sau 5 năm đã giàu có lên thì có điều kiện chuyển dịch sang nơi ở mới tốt hơn, Bộ Xây dựng đã trình Dự thảo Nghị định Quản lý và phát triển nhà ở xã hội và đã trình Thủ tướng, hy vọng sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào cuối tháng 5 hoặc lâu nhất là đầu tháng 6/2013. Theo dự thảo Nghị định mới này, sẽ cho phép mua – bán, giao dịch nhà ở xã hội sau 5 năm, thay vì 10 năm như hiện nay.
Người dân vẫn bị gây khó dễ khi làm thủ tục mua nhà ở xã hội (Ảnh: DDDN). |
Một thắc mắc nữa của người dân về việc mua nhà ở thương mại giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2 mà được hưởng ưu đãi từ gói vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở, liệu có được mua – bán hay không? Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết: Nếu vay vốn ưu đãi này để mua nhà mà có thế chấp tài sản thì vẫn có thể bán bình thường, nhưng vẫn phải có trách nhiệm trả nợ ngân hàng. Còn nếu vay thế chấp bằng chính căn nhà đó (tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay), ngân hàng phải giữ sổ đỏ đó, khi nào trả hết tiền thì ngân hàng sẽ trả sổ đỏ.
Ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng cho biết ở trường hợp thế chấp bằng tài sản khác, không phải căn nhà mua, ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho người vay được bán bất cứ lúc nào. Khi có người mua ký hợp đồng, chuyển tiền cho trả nợ cho ngân hàng, ngân hàng sẽ giao lại hồ sơ, không gây khó dễ gì.
Có tình trạng gây khó dễ cho người dân khi mua nhà thu nhập thấp
Về dư luận lâu nay cho rằng thủ tục hồ sơ mua nhà thu nhập thấp rất lằng nhằng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam giải thích: Các quy định về quá trình tạo lập dự án, xây dựng nhà thu nhập thấp và quá trình triển khai mua bán đã đơn giản tối đa. Còn việc thực hiện lằng nhằng, rắc rối hay không thì thuộc về các cơ quan các cấp thực hiện.
Thứ trưởng Nam lấy ví dụ, việc xây nhà thu nhập thấp được đưa ra chỉ định thầu, nhất nhiều người phản đối nhưng vẫn được duyệt thực thi. Hay như việc lấy ý kiến các sở, ban, ngành, thay vì bằng công văn gửi đi gửi lại, Bộ Xây dựng quy định chỉ cần thông qua một biên bản cuộc họp của những người dự họp, như thế là đã rất nhanh. Còn về thủ tục mua bán, đơn xin mua thì đã có mẫu của Bộ Xây dựng, trong đó chỉ cần 2 xác nhận (UBND phường, xã xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở; và cơ quan xác nhận mức thu nhập)… Về thủ tục, “như thế là rất đơn giản rồi”- Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện, ông Nam cho biết: “Bộ máy công quyền của ta với tinh thần trách nhiệm, động lực làm việc, năng lực chuyên môn… còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được. Vì thế, còn có hiện tượng đưa đi đẩy lại gây khó dễ cho nhân dân. Nhiều khi họ biết rất rõ là đủ điều kiện rồi, nhưng cảm thấy còn thiếu cái gì đó nên vẫn cứ đùn đẩy… Đó là câu chuyện khác, không phải vấn đề về quy trình, quy định của pháp luật, cũng không phải vấn đề chạy cửa này cửa kia”.
Ông Nam còn chỉ ra rằng, trên báo chí có lúc thì bảo nhà thu nhập thấp ế, có lúc lại bảo mua nhà thu nhập thấp phải chạy ngược chạy xuôi cấp trên cấp dưới vẫn không mua được… Cả hai hướng này đều không đúng. Nó có hiện tượng là các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các chính sách này không làm tròn nhiệm vụ được giao, gây khó dễ cho người dân. Nhưng thực tế, hiện nay tại Hà Nội đã có khoảng gần 10.000 hộ mua được nhà thu nhập thấp và đang sinh sống bình thường.
Từ thực tế này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam lưu ý, các chủ đầu tư có xây nhà thu nhập thấp nên chủ động làm cầu nối giữa ngân hàng với khách hàng, hướng dẫn người dân cách làm thủ tục, kết nối với ngân hàng để vay tiền mua nhà. Bởi vì, bản thân người dân đã nghèo, trình độ thấp, khi đến ngân hàng còn lóng ngóng, nếu gặp cán bộ ngân hàng không được tập huấn triển khai tốt về việc này, có thể thái độ “tỉnh queo” của cán bộ ngân hàng sẽ gây khó cho người dân./.