Quy định tách thửa đất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gây khó cho người dân

VOV.VN - Người sử dụng đất cần tách thửa mà yêu cầu phải lập dự án đầu tư là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) quy định về tách thửa đất trên địa bàn tỉnh được ban hành từ tháng 7/2019 nhưng đến nay, người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện việc tách thửa do các địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể.

Bộ Tư pháp “tuýt còi”

Để khắc phục tình trạng phân lô, bán nền không đúng quy định pháp luật diễn biến phức tạp trên địa bàn, tháng 7/2019 tỉnh BRVT đã ban hành Quyết định số 18 thay thế Quyết định số 23 quy định cụ thể hơn trong việc phân lô, tách thửa đối với hộ cá nhân, tổ chức có nhu cầu và có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định này.

Tuy nhiên, trong khi các địa phương đang áp dụng các văn bản hướng dẫn thì mới đây tại Kết luận kiểm tra số 47 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục kiểm tra VBQPPL), Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật liên quan đến Quyết định số 18 của tỉnh.

Kết luận số 47 của Cục kiểm tra VBQPPL chỉ chỉ ra những điểm chưa phù hợp tại QĐ 18 của tỉnh BRVT.

Cụ thể, tại điểm d khoản 1 Điều 4 Quyết định 18 quy định đối với đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp diện tích tối thiểu và kích thước các thửa đất sau khi tách thửa (không bao gồm phần diện tích hành lang, lộ giới, đường giao thông đã có quy hoạch) phải đảm bảo từ 500 m2 đến 2.000 m2 tại TP Vũng Tàu và diện tích từ 1.000 m2 đến 5.000 m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại. Trước khi tách thửa thì người sử dụng đất phải lập phương án mặt bằng tách thửa được UBND cấp huyện chấp thuận.

Kết luận kiểm tra số 47 của Cục Kiểm tra VBQPPL nêu rõ, theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 24/2014/BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên – Môi trường về hồ sơ địa chính khi người sử dụng đất thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất chỉ phải nộp hai loại giấy tờ là Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa và Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Do đó, “Việc yêu cầu người sử dụng đất phải lập phương án mặt bằng tách thửa được UBND cấp huyện chấp thuận là không phù hợp với quy định của Thông tư số 24/2014/BTNMT, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm chi phí, gây phiền hà cho người dân”.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 18 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 2.000 m2 tại TP Vũng Tàu, và lớn hơn 5.000 m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, trước khi tách thửa theo quy định tại điểm a,b khoản này thì người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; các điều trong Luật Nhà ở năm 2014; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Theo Cục Kiểm tra VBQPPL, trình tự, thủ tục thực hiện việc tách thửa được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai, Nghị định số 43 của Chính phủ và Thông tư số 24/2014/BTNMT; việc lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Xây dựng. Do đó, Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng “Trong trường hợp người sử dụng đất chỉ yêu cầu tách thửa, không có mục đích thực hiện đầu tư dự án thì việc yêu cầu người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng”.

Một trường hợp phân lô kết nối với đường giao thông hiện hữu.

Người dân mất quyền lợi

Trong khi nhu cầu tách thửa, hợp thửa của người dân tỉnh BRVT đang ngày càng tăng cao thì việc vướng các thủ tục hành chính tại Quyết định 18 của BRVT khiến người dân bức xúc vì phải "chờ đợi" do chưa có hướng dẫn.

Người dân cho rằng: Quyết định 18 của UBND tỉnh về bản chất vẫn bất cập, cụ thể Quyết định 18 đã khống chế diện tích tách thửa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Thực tế những thửa đất người dân muốn phân lô thì phải phù hợp quy hoạch mới thực hiện được. Do đó, nếu lô đất muốn tách thửa mà phù hợp quy hoạch thì cơ quan chức năng phải hướng dẫn cho dân làm hạ tầng phù hợp với thực tế. Ví dụ: đường muốn mở là bao nhiêu mét thì phải phù hợp với đường hiện trạng, dự kiến quy hoạch.

“Từ ngày quyết định 18 được áp dụng có rất nhiều hướng dẫn, đối với trường hợp hộ gia đình cá nhân phải xét yếu tố quy hoạch, phải phù hợp khu dân cư thì phải lập thiết kế thi công đường giao thông cho phù hợp với kiến trúc đô thị của địa phương. Nếu không có đường giao thông thì khi hình thành đường giao thông phải kết nối được với hạ tầng. Đối với dự án thì phải có quy hoạch 1/500, có hướng dẫn nhưng không phù hợp nên không thể làm được” - ông Huỳnh Văn Hải, phường Phước Trung, TP Bà Rịa nói.

Còn theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh BRVT, mấy năm qua Quyết định 18 của tỉnh cứ loay hoay chưa giải quyết được nhu cầu tách thửa của người dân, đến thời điểm này huyện chưa giải quyết trường hợp nào cho dân để tách thửa cho con cái trong gia đình hay nhu cầu trang trải cuộc sống của nhân dân.

“Quyết định 18 quá bất cập nên huyện đâu có triển khai, quyết định này liên quan đến quyền lợi sử dụng đất của người dân mà cứ loay hoay, chậm 1 ngày là mất quyền lợi của dân 1 ngày. Ở Châu Đức nhu cầu tách thửa của người dân cho con cái, nhu cầu trang trải cuộc sống rất nhiều huyện cũng không thực hiện được” - ông Lê Thanh Liêm cho biết.

Theo Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh BRVT, Quyết định 18 quy định về việc tách thửa đất đai của tỉnh hiện có những thiếu sót nhất định. Để khắc phục việc này, tỉnh có thể ban hành quyết định khác để thay thế sửa đổi bổ sung cho quyết định số 18 nói trên.

Luật sư Tám cho rằng, mọi tổ chức cá nhân được làm những việc pháp luật không cấm và không phải thực hiện các quy định, trình tự thủ tục nào mà pháp luật không bắt buộc phải làm. Đối với các tổ chức cá nhân nào đang phải thực hiện các thủ tục quy định trong Quyết định số 18 mà luật đất đai và Nghị định số 43/NĐ-CP của Chính phủ không quy định, thì cần được ra soát và bãi bỏ, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân thực hiện đầy đủ các quyền về sử dụng đất của mình một cách tốt nhất, tránh phát sinh thêm thời gian và chi phí không đáng có./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hai lần quyết định phân lô, tách thửa nhưng vẫn làm khó dân
Hai lần quyết định phân lô, tách thửa nhưng vẫn làm khó dân

VOV.VN - Lợi dụng kẽ hở của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phân lô, tách thửa, nhiều tổ chức, cá nhân đã tách thửa đất nông nghiệp để bán trái quy định.

Hai lần quyết định phân lô, tách thửa nhưng vẫn làm khó dân

Hai lần quyết định phân lô, tách thửa nhưng vẫn làm khó dân

VOV.VN - Lợi dụng kẽ hở của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phân lô, tách thửa, nhiều tổ chức, cá nhân đã tách thửa đất nông nghiệp để bán trái quy định.

Quy định về diện tích tối thiểu để được tách thửa đất ở Hà Nội
Quy định về diện tích tối thiểu để được tách thửa đất ở Hà Nội

VOV.VN - Bố mẹ tôi có 2 mảnh đất, 1 mảnh 75m2 ở quận Thanh Xuân và 1 mảnh 80m2 ở huyện Gia Lâm, nhưng mảnh ở Gia Lâm không tách thửa được.

Quy định về diện tích tối thiểu để được tách thửa đất ở Hà Nội

Quy định về diện tích tối thiểu để được tách thửa đất ở Hà Nội

VOV.VN - Bố mẹ tôi có 2 mảnh đất, 1 mảnh 75m2 ở quận Thanh Xuân và 1 mảnh 80m2 ở huyện Gia Lâm, nhưng mảnh ở Gia Lâm không tách thửa được.

Khánh Hoà ra văn bản trái luật nhưng chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả
Khánh Hoà ra văn bản trái luật nhưng chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả

VOV.VN - Văn bản 12143 của UBND tỉnh Khánh Hoà khi đang là một văn bản trái luật nhưng tỉnh Khánh Hoà không sửa chữa, thu hồi mà chỉ đính chính lỗi chính tả.

Khánh Hoà ra văn bản trái luật nhưng chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả

Khánh Hoà ra văn bản trái luật nhưng chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả

VOV.VN - Văn bản 12143 của UBND tỉnh Khánh Hoà khi đang là một văn bản trái luật nhưng tỉnh Khánh Hoà không sửa chữa, thu hồi mà chỉ đính chính lỗi chính tả.