Xây dựng nhỏ, thất thoát lớn

(VOV) -“Chưa có một cơ quan nào quản lý nhà nước quyết định đầu tư sai mà bị xử lý kỷ luật, chế tài không có".

Quản lý nguồn vốn Nhà nước ở các công trình xây dựng hiện đang có những “khe hở” pháp lý gây thất thoát lãng phí lớn, trong khi đó, trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước thì mờ nhạt… Đây là những vấn đề cấp thiết cần giải quyết của ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng (năm 2003) đã bộc lộ những hạn chế, chưa theo kịp với thực tiễn.

Dự án chậm thi công gây thất thoát, lãng phí nguồn đầu tư. (Ảnh: petrotimes.vn)

Xã Quảng Phú Cầu thuộc huyện Ứng Hòa, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 Km. Nhưng tại đây, có đến 4 công trình xây dựng dở dang từ nhiều năm nay với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Trong số này có 3 công trình nước sạch, mỗi công trình đầu tư 8 tỷ đồng, khởi công năm 2009, cuối năm 2011 đã cơ bản hoàn hệ thống nhà vận hành, bể lọc, chứa nước; đường ống dẫn nước, giếng khoan…nhưng đã bị bỏ hoang 4 năm nay. Trong khi đó người dân thì vẫn hàng ngày mong được dùng nước sạch.

Còn trường mầm non thôn Xà Cầu đã được xây từ năm 2007, qua 2 lần tạm dừng rồi thi công lại, đến nay vẫn chỉ là một khung nhà 2 tầng với phần thô bỏ dở, mặc cho mưa nắng.

Bà Nguyễn Thị Nghiêm, người dân thôn Xà Cầu bức xúc khi trường thì xây dựng dang dở còn con em trong xóm phải đi học nhờ tại những lớp học tạm bợ.

“Trường mẫu giáo xây từ năm 2007 chưa hoàn thành, cuối năm ngoái đầu tư một ít về làm tiếp rồi lại bỏ dở, trát được một ít rồi lại thôi. Dân chúng tôi cũng đề nghị các cấp quan tâm đầu tư cho thôn làm trường cho các cháu đi học được khang trang đoàng hoàng”, bà Nghiêm nói.

Câu chuyện tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là một trong nhiều ví dụ về việc đầu tư không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Nhiều “quy hoạch treo”, “dự án treo” tại một số khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế…gây nên những lãng phí về cơ hội đầu tư và nguồn lực phát triển.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, một thực tế đang diễn ra của ngành xây dựng là nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong đầu tư xây dựng đang bị thất thoát, lãng phí. Điều này bắt đầu từ một nguyên nhân là vốn ngân sách Nhà nước được đánh đồng với các nguồn vốn khác, áp dụng một cách quản lý như nhau, chính đây là kẽ hở khi các cơ quan chức năng giám sát. Trong khi đó, quá trình phân cấp đầu tư, quản lý xây dựng chưa gắn với kiểm tra, kiểm soát, cơ quan quản lý đóng vai trò mờ nhạt của cơ quan quản lý.

“Rất nhiều những vấn đề mà cần phải được điều chỉnh để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng. Công trình càng nhỏ thất thoát càng lớn, có ai điều tra đâu, toàn giao cho chủ đầu tư hết, chủ đầu tư lại không có kinh nghiệm giao hết cho nhà thầu, nhà thầu tự mời tư vấn, mời giám sát. Kiểm soát xây dựng của chúng ta đối với vốn đầu tư công có vấn đề cần phải được khắc phục, Luật phải xây dựng một cách hoàn thiện”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, cần nhanh chóng bổ sung, sửa đổi Luật Xây dựng để phù hợp với thực tế, thay đổi tư duy quản lý đầu tư xây dựng nhằm tránh gây thất thoát lãng phí. Đầu tiên là việc công khai minh bạch thông tin.

Ông Hùng nêu ví dụ: Hà Nội và TP HCM đang có hàng trăm dự án bất động sản nhưng nếu khi cần tìm thông tin về dự án, chủ đầu tư thì rất khó khăn? Việc thiếu thông tin không chỉ từ phía người dân mà còn cả ở phía cơ quan quản lý. Công bố thông tin sẽ giúp cơ quan quản lý và người dân giám sát hạn chế vi phạm. Thứ 2, cần quản lý chặt các dự án xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ bước đầu tiên là chủ trương đầu tư. Quyết định đầu tư sai sẽ gây ra thất thoát, lãng phí rất lớn.

“Chưa có một cơ quan nào quản lý nhà nước quyết định đầu tư sai mà bị xử lý kỷ luật, chế tài không có. Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, báo cáo đó là 27% sai phạm nằm trong các quyết định đầu tư sai không đủ thủ tục, đầu tư giàn trải, đầu tư không có vốn, chẳng ai xử lý cả toàn do tập thể quyết định”, ông Trần Ngọc Hùng nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Chủ tịch hiệp hội Nhà thầu Việt Nam nêu lên những kẽ hở và sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật quy định về quá trình đầu tư xây dựng. Như quy trình đấu thầu xây dựng cả trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu đều có.

Tại Luật Đấu thầu quy định giá trúng thầu phải là giá thấp nhất, điểm này khiến nhiều chủ đầu tư tìm mọi cách giảm giá thành bằng mọi cách như sử dụng những vật liệu kém chất lượng, khiến công trình xây dựng không đảm bảo cả chất lượng và tiến độ, hiệu quả đầu tư không cao. Còn quy định đấu thầu của Luật Xây dựng thì đưa ra tiêu chuẩn “giá đấu thầu hợp lý” nhưng không có giải thích về điều này, không có quy định mang tính định lượng thì thực tế không áp dụng được tiêu chí này.

“Về giá hợp lý hay giá thầu thấp nhất cần phải có nghiên cứu về giá thầu hợp lý là thế nào. Chúng tôi cho rằng, giá thầu hợp lý là đúng nhưng thế nào là hợp lý, những tiêu chí nào là hợp lý bỏ ngỏ, không giải thích được”, ông Hiệp kiến nghị.

Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Luật Xây dựng sửa đổi với những quan điểm mới về quản lý, đầu tư xây dựng. Từ đó, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong đầu tư xây dựng, chống thất thoát, lãng phí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cải tạo chung cư cũ: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo
Cải tạo chung cư cũ: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo

(VOV) - Nhà nước sẽ điều phối quyền lợi của doanh nghiệp, người dân nhưng giữ được cảnh quan, kiến trúc đô thị.

Cải tạo chung cư cũ: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo

Cải tạo chung cư cũ: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo

(VOV) - Nhà nước sẽ điều phối quyền lợi của doanh nghiệp, người dân nhưng giữ được cảnh quan, kiến trúc đô thị.

Doanh nghiệp tìm cách giải phóng tồn kho nhà ở thương mại
Doanh nghiệp tìm cách giải phóng tồn kho nhà ở thương mại

Trong khi các dự án dưới 15 triệu/m2 thi nhau xin chuyển thành nhà ở xã hội, các dự án thương mại cũng đang tìm mọi cách để bán được

Doanh nghiệp tìm cách giải phóng tồn kho nhà ở thương mại

Doanh nghiệp tìm cách giải phóng tồn kho nhà ở thương mại

Trong khi các dự án dưới 15 triệu/m2 thi nhau xin chuyển thành nhà ở xã hội, các dự án thương mại cũng đang tìm mọi cách để bán được