Ngăn họa phân lô, bán nền không phép tại TPHCM:

Xứ lý nạn phân lô, bán nền không phép cần biện pháp mạnh

VOV.VN - Các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý mạnh tay với các công ty địa ốc, các sàn giao dịch, nhân viên môi giới vi phạm.

Trong bài trước, VOV.VN đã phản ánh tình trạng các dự án phân lô, bán nền không phép nhan nhản ở nhiều quận, huyện vùng ven TP HCM. Vậy cách nào mà các dự án phân lô, bán nền không phép bùng nổ? Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc như thế nào và cách nào để dẹp nạn phân lô, bán nền không phép?

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nguyên nhân khiến cho dự án “ma” và việc phân lô, bán nền không phép dễ dàng bùng nổ trong thời gian qua là do nguồn cung bất động sản trong nửa đầu năm 2019 khan hiếm, nên các đối tượng “cò đất” lợi dụng cơn khát này để lừa đảo trục lợi.

Một số doanh nghiệp làm liều, có hiện tượng lừa đảo khách hàng mua sản phẩm tại dự án không có pháp lý rõ ràng để huy động vốn, đến khi khách hàng nhận ra thì các doanh nghiệp này chây ỳ không chịu trả lại tiền.

Các đối tượng “cò đất” lợi dụng cơn khát đất nền dự án để lừa đảo trục lợi.

Nguyên nhân khác đến từ chính những người mua bởi ham rẻ, lợi nhuận cao. Hầu hết người dân có tâm lý mua đầu tư “lướt sóng” kiếm lời, mua xong thì để đấy, chờ giá lên sẽ bán lại hưởng chênh lệch. Thêm vào đó, nhiều người dân thường đầu tư theo xu thế đám đông, chạy theo những cơn sốt mơ hồ do “cò đất” vẽ ra, ít quan tâm tìm hiểu về pháp lý của khu vực mình mua. Chính điều này vô tình tiếp tay cho nhiều công ty địa ốc làm ăn không lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, chính quyền đã phát đi cảnh báo tại khu vực đất có dự án “ma” để người dân cảnh giác, đồng thời đưa thông tin công khai trên mạng để tuyên truyền. Khi phát hiện các đối tượng môi giới, “cò đất” có hành vi giới thiệu, phát tờ rơi tại khu vực này thì có biện pháp xử lý thích hợp.

“Các khu vực thuộc quy hoạch đất cây xanh không được thực hiện các dự án nhà ở, việc phân lô bán nền là vi phạm pháp luật. Khi chưa được cơ quan Nhà nước cho phép và sử dụng đất sai mục đích quy hoạch, chính quyền đã lưu ý các đối tượng môi giới này, sau đó các đối tượng này giải tán”, ông Đức cho biết.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, sau khi chính quyền vào cuộc cảnh báo, tại hiện trường các khu đất có dự án “ma” lực lượng chức năng đã giữ nguyên không cho thay đổi hiện trạng. Đối với các công ty có phân lô, bán nền không phép, chính quyền địa phương cũng thông báo công khai với người dân về tên, địa chỉ công ty.

“Quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quận như UBND phường cùng các đơn vị liên quan, cảnh báo cho người dân tại những vị trí khu đất này, cắm những biển báo thông tin không có quy hoạch dự án để người dân biết. Đồng thời phối hợp với trang web của quận để đăng thông tin tuyên truyền tới người dân”, ông Nhựt nói.

Rõ ràng, chính quyền địa phương cũng đang vào cuộc, nhưng chủ yếu là mới cảnh báo. Còn để xử lý triệt để tình trạng này không đơn giản. Khó khăn ở chỗ những người bán dự án “ma” có nhiều thủ đoạn tinh vi để lách luật. Chính những kẽ hở này mà thời gian qua cơ quan chức năng chưa thể xử lý dứt điểm. Chẳng hạn, chủ đầu tư hoặc môi giới không ký hợp đồng mua bán mà chỉ làm hợp đồng góp vốn, hợp đồng giữ chỗ hoặc lập vi bằng thông qua thừa phát lại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, Bộ Tư pháp đã có chỉ đạo các văn phòng thừa phát lại không được lập vi bằng với các khu đất không có sổ đỏ về đất ở.

“Bà con cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn của một số đầu nậu “cò đất” để tránh sập bẫy. Tình trạng lạm dụng hình thức lập biên bản vi bằng thừa phát lại để kỳ vọng sau này sẽ là căn cứ pháp lý hợp thức hoá việc phân lô, bán nền là trái pháp luật. Các văn phòng thừa phát lại phải liên đới chịu trách nhiệm nếu xảy ra thiệt hại cho người dân”, ông Châu khuyến cáo.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, việc lấy đất chưa đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh, bán cho người mua chính là có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, đất đã được Nhà nước đưa vào quy hoạch nhưng các doanh nghiệp cố tình quảng bá sai sự thật, cam kết xoá quy hoạch, tách thửa… rồi huy động vốn trái phép là dấu hiệu của tội lừa đảo.

Hậu quả của việc mua phải nhà, đất trong dự án “ma” là người mua sẽ không được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận về chủ quyền, mà người mua chỉ có những văn bản giao dịch giữa bên mua-bên bán. Rủi ro lớn nhất là người mua có thể mất trắng toàn bộ số tiền đã bỏ ra khi cơ quan nhà nước cưỡng chế tháo dỡ phần xây dựng nhà ở, yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu của lô đất, hoặc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã công bố trước đó. 

Thực tế cho thấy, việc phân lô, bán nền không phép và dự án ma gây rủi ro thì nhãn tiền và hậu họa thì khôn lường. Nhưng để dẹp nạn này và ngăn họa lâu dài thì không thể chỉ trông chờ vào mấy biển cảnh báo của chính quyền địa phương.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM khẳng định, trước hết trách nhiệm xử lý tình trạng phân lô, bán nền dự án “ma” thuộc về chính quyền địa phương và cơ quan quản lý có liên quan. Cần phải có biện pháp mạnh tay, quyết liệt để ngăn chặn ngay từ đầu.

Đối với hành vi quảng cáo, rao bán trên mạng không đúng sự thật thì phải bị xử phạt và thông tin tới công chúng. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần phải công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch, thủ tục hành chính về đất đai, đồng thời tuyên truyền rộng rãi hơn về pháp lý tới người dân.

“UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm về thủ tục hành chính về đất đai ban đầu, bởi đây là đầu mối tiếp nhận hồ sơ để giao và cho thuê đất thì phải biết được về dự án. Phía người dân muốn mua dự án phải tìm đến UBND địa phương để kiểm tra, họ có quyền được tiếp cận các thông tin về quy hoạch. Để xử lý các hành vi bán dự án "ma" thì phải có đơn khiếu nại, tố cáo của người dân”, ông Châu khuyến cáo.

Đã có nhiều người dân nhận trái đắng, trắng tay sau khi đổ tiền mua phải đất nền tại dự án “ma”, còn doanh nghiệp thì ẵm tiền của khách hàng rồi “lặn mất tăm”, thậm chí có cả chủ đầu tư dùng chiêu bài tuyên bố giải thể công ty sau khi đã ôm tiền của khách hàng. Và cơ sở pháp lý để xử lý tình trạng này không phải không có, vấn đề là ở thái độ và cách phản ứng của các cơ quan chức năng liên quan trong việc bảo vệ công lý và quyền lợi chính đáng cho người dân.

Cho nên, trong thời gian tới, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mạnh tay với các công ty địa ốc có sai phạm, các sàn giao dịch, nhân viên môi giới bất động sản vi phạm pháp luật; thậm chí xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng cố tình làm ngơ hoặc tiếp tay cho sai phạm./.

Cùng loạt bài:

Dự án phân lô, bán nền không phép bủa vây vùng ven TPHCM

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương kiểm tra các dự án phân lô, bán nền
Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương kiểm tra các dự án phân lô, bán nền

VOV.VN - Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo đúng quy định đối với các khu vực người dân phân lô, bán nền...

Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương kiểm tra các dự án phân lô, bán nền

Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương kiểm tra các dự án phân lô, bán nền

VOV.VN - Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo đúng quy định đối với các khu vực người dân phân lô, bán nền...

Gia Lai: Kỷ luật Chủ tịch UBND phường vì sai phạm phân lô, bán nền
Gia Lai: Kỷ luật Chủ tịch UBND phường vì sai phạm phân lô, bán nền

VOV.VN - Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, TP Pleiku vừa bị thi hành kỷ luật vì những vấn đề liên quan đến đất đai.

Gia Lai: Kỷ luật Chủ tịch UBND phường vì sai phạm phân lô, bán nền

Gia Lai: Kỷ luật Chủ tịch UBND phường vì sai phạm phân lô, bán nền

VOV.VN - Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, TP Pleiku vừa bị thi hành kỷ luật vì những vấn đề liên quan đến đất đai.

Long An cắm biển báo dự án phân lô, bán nền trái phép
Long An cắm biển báo dự án phân lô, bán nền trái phép

VOV.VN -Việc UBND huyện Cần Đước, tỉnh Long An cắm biển báo dự án phân lô, bán nền trái phép là để người dân cảnh giác.

Long An cắm biển báo dự án phân lô, bán nền trái phép

Long An cắm biển báo dự án phân lô, bán nền trái phép

VOV.VN -Việc UBND huyện Cần Đước, tỉnh Long An cắm biển báo dự án phân lô, bán nền trái phép là để người dân cảnh giác.