Diễn đàn kinh tế Davos: Viễn cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu còn gian nan
VOV.VN - Theo IMF, kinh tế thế giới gặp khó khăn hơn khi cùng lúc chịu tác động của nhiều yếu tố gộp lại như tác động của đại dịch, cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra và hậu quả của biến đổi khí hậu.
Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn chưa có gì chắc chắn, bất chấp các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD trên toàn thế giới - đây là nhận định được nhiều nhà lãnh đạo thế giới và chuyên gia kinh tế đưa ra trong 5 ngày họp của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2021 (WEF).
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 đạt 5,5% nhờ các gói kích thích của các nền kinh tế lớn và khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 giúp khôi phục hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo triển vọng này đang bị đe dọa bởi sự không chắc chắn. Kinh tế thế giới gặp khó khăn hơn khi cùng lúc chịu tác động của nhiều yếu tố gộp lại như tác động của đại dịch, cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra và hậu quả của biến đổi khí hậu.
Bà Gita Gopinath - Kinh tế trưởng của IMF nhận định: "Chúng ta đang sống trong thời điểm không chắc chắn. Thế giới 2021 sẽ có những bước tiến so với năm 2020. Tuy nhiên những bước tiến đạt được sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cuộc chạy đua kiểm soát Covid-19, biến thể mới, vacine cũng như các chính sách kích thích kinh tế đưa ra".
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế sẽ không thể phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2021, các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định, chính phủ các nước cần hành động để ngăn chặn những thiệt hại kéo dài.
Trước hết là thúc đẩy hợp tác đa phương mạnh mẽ để kiểm soát đại dịch ở mọi nơi trên thế giới. Các hoạt động hợp tác này bao gồm chia sẻ vaccine, chia sẻ thông tin, đảm bảo vaccine được tiếp cận với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có thu nhập thấp, đã lâm vào khủng hoảng với nợ nần chồng chất và có khả năng tăng cao hơn nữa trong thời kỳ đại dịch.
Bởi vậy, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoãn thời gian trả nợ cho các nước nghèo nhất, dự kiến sẽ tới hạn vào tháng 6 tới.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Để phục hồi nhanh chóng và đầy đủ, không chỉ có chia sẻ vaccine công bằng mà còn hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển, bằng cách đảm bảo tính thanh khoản liên tục, giảm nợ cho tất cả các nước đang phát triển... Chúng ta cần sự hỗ trợ tài chính từ mọi nguồn. Đây không phải là một hành động từ thiện mà nó còn là khía cạnh kinh tế”.
Dịch bệnh cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hóa và xanh hóa. Việc thúc đẩy đầu tư xanh cùng với giá carbon ban đầu ở mức vừa phải nhưng tăng đều đặn sẽ giúp giảm lượng khí thải cần thiết, đồng thời hỗ trợ sự phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch.
Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới Davos diễn ra từ 25 - 29/1 với sự tham gia của 25 nguyên thủ trên thế giới cùng hơn 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng, chương trình nghị sự của hội nghị năm nay thảo luận nhiều vấn đề, đưa ra các giải pháp liên quan đến tình trạng thất nghiệp và nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu nhằm giải quyết hậu quả của đại dịch và thúc đẩy hợp tác toàn cầu./.