Điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ: Lo ngại bất cập
VOV.VN - ĐBQH Hoàng Quang Hàm cho rằng, điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia tăng lên 20.000 tỷ đồng có thể không còn dự án nào trình Quốc hội.
Liên quan đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia - vấn đề các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn có nhiều chiều ý kiến, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, Chính phủ và một số đại biểu đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của luật hiện hành.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội |
Quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành. Vì, điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công, ông Hải nêu rõ.
Thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc, ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.
Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và khóa 14 chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng giữ quy định của luật hiện hành để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu giải trình vẫn có thêm một phương án để xin ý kiến đại biểu là điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sáng 28/5, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) khẳng định: Mức vốn 10.000 tỷ không bất cập.
Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ có thể không còn dự án nào trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý. Hơn nữa trình Quốc hội sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn; có ngay các chính sách đặc thù..., ông Hàm phân tích.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) |
Việc lý giải mức vốn 10.000 tỷ đồng hiện nay bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để đưa lên 20.000 tỷ đồng, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm là không thuyết phục.
Ông Hàm cho hay, mức 10.000 tỷ đồng giai đoạn trước là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Vì thế, sẽ là hợp lý nếu giai đoạn trước mức vốn để xác định tiêu chí dự án quan trọng Quốc gia chỉ là 5.000 - 6.000 tỷ và mỗi một giai đoạn 5 năm có khoảng 2 đến 3 dự án trình Quốc hội. Và bây giờ tính thêm tăng trưởng, trượt giá, dự báo cho tương lai, đưa lên 10.000 tỷ đồng là phù hợp.
Thực ra mức 10.000 tỷ đồng cũng đã là cao so với quy mô chi đầu tư hàng năm của ngân sách trung ương, không tính bổ sung cho địa phương thì chỉ hơn 80.000 tỷ đồng, đại biểu Hàm lưu ý.
Phân tích của ông Hoàng Quang Hàm nhận được sự đồng tình của đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) và đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM).
Ông Xuyền và ông Nghĩa đều tán thành quan điểm: Không có vướng mắc thì không cần điều chỉnh cho phức tạp thêm./. Nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả thấp
PTT Vương Đình Huệ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)