Doanh nghiệp ASEAN cần tận dụng triệt để cơ hội từ cộng đồng kinh tế
VOV.VN - Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp ASEAN cần hiểu biết hơn về Cộng đồng kinh tế khu vực để tận dụng triệt để cơ hội.
Trong ba trụ cột của ASEAN, Cộng đồng kinh tế (AEC) được coi là trụ cột quan trọng nhất. Sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại.
Ảnh minh họa: KT |
Hiện tại, đây được đánh giá là khu vực phát triển sôi động trên thế giới với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt hơn 2.500 tỷ USD. Tuy nhiên, trong cơ hội cũng sẽ có nhiều thách thức. Để thấy được những cơ hội mà Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại cũng như hiểu được những thách thức để vượt qua, phóng viên VOV đã phỏng vấn Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh về nội dung này.
PV: Thưa ông, ông có thể đưa ra những đánh giá về thành tựu và cơ hội mà Cộng đồng kinh tế mang lại cho ASEAN trong 50 năm qua?
Tổng thư ký Lê Lương Minh: ASEAN thành lập cách đây 50 năm từ năm 1967 nhưng lúc bấy giờ trong bối cảnh chiến tranh lạnh thì quan tâm chủ yếu là vấn đề an ninh. Hợp tác kinh tế trong ASEAN chỉ bắt đầu từ năm 1970 và tập trung vào lĩnh vực công nghiệp.
Và quá trình hội nhập ASEAN thực sự khởi sắc từ những năm 90 của thế kỷ 20. Đặc biệt, từ năm 2007, ASEAN đã chính thức ký kết Hiệp định Kinh tế khu vực ASEAN và không đến 10 năm thì ASEAN xây dựng xong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây là một bước tiến rất quan trọng.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (Ảnh: UN) |
Thứ hai, ASEAN là khu vực có nhiều các hiệp định thương mại tự do nhất. ASEAN cũng đang thương lượng về RCEP. Với việc hình thành Hiệp định về đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, chiếm ½ dân số thế giới và khoảng 40% tổng kim ngạch thương mại thế giới. RCEP sẽ mở ra một không gian rộng lớn cho thương mại và đầu tư trong không chỉ không gian ASEAN mà cả ở không gian rộng lớn Châu Á Thái Bình Dương. ASEAN cũng đang thương lượng với Hồng Công về một FTA có khả năng ký kết trong năm nay. ASEAN cũng đang thảo luận với Canada về FTA, ASEAN cũng thảo luận với cộng đồng ASEM về FTA.
Trong tầm nhìn 2025, sự phát triển của ASEAN trong 10 năm tới. Trong bối cảnh thế giới đang xuất hiện xu hướng chống toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch, ASEAN tiếp tục thực hiện chính sách khu vực mậu dịch mở sẽ mở ra cơ hội lớn không chỉ cho sự tiếp cận nền kinh tế toàn cầu của ASEAN mà còn có rất nhiều những cơ hội cho các doanh nghiệp của ASEAN.
PV: Vậy theo ông, bên cạnh những cơ hội thì ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức gì trong quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN , đặc biệt là trong Tầm nhìn 2025?
Tổng thư ký Lê Lương Minh: Như tôi đã nói thì ASEAN chỉ bắt đầu tập trung phát triển xây dựng cộng đồng kinh tế vào những năm của thập kỷ 70. Qúa trình hội nhập cũng chỉ bắt đầu vào những năm 90 và nhất là vào năm 2007, khi mà ASEAN bắt đầu lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Mặc dù cơ hội do Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại rất lớn, song ASEAN cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Thứ nhất, khi ASEAN công bố hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 thì chúng ta mới thực hiện được khoảng 95% tổng số các biện pháp đề ra trong lộ trình. Thứ hai là khoảng cách phát triển trong từng nước ASEAN và giữa ASEAN với nhau vẫn còn lớn. Ví dụ thu nhập bình quân đầu người nước giầu nhất trong ASEAN cao gấp 43 lần so với nước nghèo nhất. Đây là một thách thức lớn trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN, xây dựng cộng đồng trên cơ sở phát triển bao trùm.
Với việc cơ bản xóa bỏ các dòng thuế đối với hàng hóa trong nội khối ASEAN thì vẫn còn nhiều các rào cản phi quan thuế. Cái này cần phải được loại trừ để bảo đảm trong ASEAN có không gian cho tự do hóa. Thêm nữa, hiểu biết của người dân ASEAN và các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Hiện ASEAN đang tiếp tục chính sách khu vực mở, ủng hộ toàn cầu hóa trong khi đó trên thế giới lại đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch, nhất là lại ở một số nền kinh tế lớn trên thế giới là đối tác của ASEAN. Đây là thách thức của thế giới nhưng cũng là thách thức của ASEAN.
PV: Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức này, thưa ông?
Tổng thư ký Lê Lương Minh: Để tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức thì tôi cho rằng, mỗi nước thành viên của ASEAN và đặc biệt là bản thân các doanh nghiệp trong ASEAN cần hiểu biết hơn về Cộng đồng ASEAN, hiểu hơn về những cơ hội gì và thách thức gì. Ví dụ, tôi đang nói đến cơ hội một không gian thị trường rộng lớn hơn ở Châu Á- Thái Bình Dương được mở ra khi Hiệp định đối tác toàn diện (RCEP) ra đời. Dự kiến cuối năm nay, các nước tham gia thương lượng sẽ toàn tất cơ bản Hiệp định này. Vậy, các nước ASEAN, các doanh nghiệp ASEAN làm gì để tận dụng cơ hội này nếu không hiểu biết về RCEP.
Hoặc ví dụ trong lĩnh vực lao động, ASEAN cũng có các Hiệp định mở ra cho 8 đối tượng lành nghề, tự do tìm kiếm việc làm của ASEAN. Nhưng để có thể tìm được việc làm thì người lao động phải lành nghề, có tiếng Anh. Cái đó rất khó. Các doanh nghiệp ASEAN và Việt Nam cần phải nhận biết các thị trường của ASEAN và các thị trường đối tác của ASEAN để từ đó đào tạo, xây dựng các cơ chế, quy chuẩn phù hợp với từng thị trường. Đó là tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam