Doanh nghiệp chế biến quế ở Yên Bái nỗ lực vượt khó
VOV.VN - Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thị trường xuất khẩu giảm mạnh, nhưng cộng đồng DN sản xuất, chế biến quế ở Văn Yên (Yên Bái) vẫn tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu quế của mình.
Sản phẩm quế Văn Yên (Yên Bái) với trên 30 loại mặt hàng hiện đã được xuất khẩu đi gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người trồng quế và các DN sản xuất, chế biến quế trên địa bàn. Hai năm trở lại đây, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thị trường xuất khẩu giảm mạnh, nhưng cộng đồng DN sản xuất, chế biến quế ở Văn Yên vẫn tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu quế của mình.
Huyện Văn Yên là địa phương có diện tích quế lớn nhất tỉnh Yên Bái với hơn 52.000 ha. Hiện nay, trung bình mỗi năm, các DN, HTX trên địa bàn xuất khẩu trên 300 tấn tinh dầu quế và khoảng 1.500 - 2.000 tấn quế vỏ.
Theo ghi nhận, 2 năm trở lại đây các DN sản xuất tinh dầu quế đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thị trường xuất khẩu giảm mạnh. Giá tinh dầu cũng giảm gần một nửa, từ mức 550.000 - 600.000 đồng/kg xuống 300.000 - 400.000 đồng/kg, đơn hàng xuất cũng chậm. Đứng trước tình hình đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến quế trên địa bàn Văn Yên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, giới thiệu quảng bá sản phẩm...
Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Lâm Phương Linh, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên chia sẻ, xuất khẩu và tiêu thụ quế rất khó khăn, nhưng các DN đều cố gắng. “Quế đầu vào bà con đợt này khai thác rất nhiều, DN không mua cho bà con cũng không được, trong khi bà con đang mong muốn bán được giá”, bà Liên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc HTX Quế Sơn, xã An Thịnh, huyện Văn Yên cũng cho biết, HTX cũng có những buổi họp chung với các DN, HTX trên địa bàn huyện Văn Yên để cùng nhau chia sẻ, cũng như tư vấn cho người dân trồng quế để sau này có sự phát triển bền vững hơn.
Hiện nay, song song với công tác xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu, huyện Văn Yên cũng chú trọng hỗ trợ, thu hút và phát triển các DN sản xuất, chế biến quế theo hướng chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu cây quế trên thị trường.
Công ty TNHH Hương Gia vị Sơn Hà, có trụ sở tại xã Yên Hợp là một thương hiệu gia vị hữu cơ cao cấp lớn trên địa bàn huyện Văn Yên. Công ty này đang cung cấp nguyên liệu quế và một số gia vị khác cho các nhà sản xuất dược phẩm, đồ uống, trang trí hàng đầu thế giới ở EU, Mỹ, Trung Đông...
Ông Đoàn Ngọc Hiệp, Trợ lý trưởng Chi nhánh Yên Bái, Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà cho biết, để bước chân vào những thị trường cao cấp ở nước ngoài, công ty đã không ngừng nỗ lực để đạt được những chứng nhận uy tín - giấy thông hành để đưa sản phẩm của DN đến với các thị trường khó tính. Hiện nay, sản lượng trung bình của công ty đạt hơn 2.000 tấn quế tươi và hơn 4.700 tấn quế khô/năm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 150 cán bộ, công nhân và hàng chục lao động thời vụ tại địa phương.
Năm 2023 vừa qua, công ty đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt dự án đầu tư nhà máy sản xuất chế biến quế với tổng số vốn hơn 280 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thiện, mỗi năm công ty sẽ cung cấp ra thị trường khoảng gần 1.900 tấn quế sáo, hơn 990 tấn quế mảnh và gần 4,5 tấn quế ABC…
“Công ty đã hướng dẫn bà con nông dân về cách trồng, chăm sóc để tạo ra sản phẩm quế sạch, quế sinh thái. Khi bà con nông dân thu hoạch quế sạch, quế sinh thái, công ty lại hỗ trợ trả thưởng ngược lại cho bà con với giá cao hơn giá thị trường. Công ty cũng đào tạo cho công nhân viên và đầu tư thêm máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng. Hướng tới năm 2025, công ty sẽ xây dựng nhà máy mới trên địa phận huyện Văn Yên, với mục tiêu sản xuất quế sạch và xuất khẩu trực tiếp từ Văn Yên đi thị trường quốc tế”, ông Hiệp cho biết.
Cùng với nỗ lực từ các DN sản xuất, chế biến quế trên địa bàn, huyện Văn Yên xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất quế theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đưa quế Văn Yên tiến vào các thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm quế, không chỉ giúp các DN phát triển bền vững mà còn thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.