Doanh nghiệp còn thờ ơ với sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu
VOV.VN -Tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Sáng 20/11, Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA và TPP”.
Hội thảo diễn ra tại Hà Nội. |
10 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra hơn 54.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó, xử lý gần 16.400 vụ, khởi tố hình sự 72 vụ, phạt hành chính hơn 520 tỷ đồng. Tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội; tác động tiêu cực đến đời sống người dân, môi trường, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước.
Ông Phạm Bá Dục, Chủ tịch Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội, cho rằng: Các lực lượng thực thi cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Người tiêu dùng phải thông minh, phải biết được những hàng hóa nào không đảm bảo chất lượng và không tiêu thụ những hàng mang giả nhãn hiệu sở hữu trí tuệ. Tâm lý người tiêu dùng muốn dùng những hàng có tên tuổi nhưng giá cả lại không cao. Đây là một điều kiện để phát triển nạn hàng giả, hàng nhái.
Tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn “lộng hành” trên thị trường hiện nay là do các doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, các doanh nghiệp cần phải phải nghiên cứu, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, cần tạo được những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và nước ngoài./.