Doanh nghiệp công nghệ thiếu nhân lực cho ngành vi mạch điện tử bán dẫn

VOV.VN - Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2030 sẽ lọt vào Top 5 thế giới về thiết kế vi mạch điện tử. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu, phải cần tới 50.000 kỹ sư, chuyên gia, trong khi hiện nay chúng ta chỉ có hơn 5.000 người.

Cầu lớn nhưng thiếu cung

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng trưởng lên 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Mức tăng hàng năm khoảng 6,5%

Hiện nay, cộng đồng vi mạch cả nước có hơn 40 công ty, doanh nghiệp thiết kế vi mạch và hơn 5.000 kỹ sư, chuyên gia về thiết kế vi mạch. Trong đó, TP.HCM có hơn 30 công ty và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu nhân lực khá lớn.

Ông Trần Bá Linh, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghệ cao Điện Quang (Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang) cho rằng, sở dĩ ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam phát triển chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế của đất nước là do thiếu sự đầu tư đúng mức vào nghiên cứu và phát triển các nền tảng công nghệ cốt lõi, đặc biệt là thiếu nhân lực có chuyên môn đảm nhiệm trong ngành này.

“Ngành điện tử vi mạch bán dẫn thì chúng ta chưa có nền tảng, đa phần vẫn đang nhập từ nước ngoài về. Vừa rồi khủng hoảng về ngành bán dẫn, có một số đối tác ở bên ngoài vào, muốn đẩy mạnh làm nhanh thì chúng ta bị đứt nguồn cung, đứt từ ít nhất là 6 - 8 tháng mà tới hiện tại bây giờ có một số dòng kéo dài lên tới 12 tháng. Hiện tại có khu công nghệ cao rồi đang phối hợp với các ban ngành là đang tập trung phát triển ngành này rất nhiều và hi vọng là mau chóng có kết quả” - ông Trần Bá Linh nói.

TP.HCM chiếm 76% tổng số hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip trong cả nước. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM, trong các công đoạn sản xuất vi mạch bán dẫn thì Việt Nam tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch, chiếm khoảng 52%.

Còn lại các công đoạn khác, như: Sản xuất vi mạch, đóng gói, kiểm định vi mạch... chiếm 48%, nhưng vẫn còn rất non trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc, trong 5.500 nhân lực hiện có, chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch, các công đoạn khác nguồn nhân lực rất thiếu. Nếu tình trạng này không được khắc phục, rất khó để các tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thế giới đầu tư vào Việt Nam.

Cần cú huých về nguồn lực đào tạo

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt Top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000. PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM nhận định rằng, mục tiêu đào tạo với con số này là khả thi và Việt Nam có tiềm năng để khỏa lấp cho nguồn nhân lực ngành bán dẫn toàn cầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Việt Nam có thể mở mới, mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành đã có lên bậc tiến sĩ, thạc sĩ, đồng thời đào tạo nâng cao đối với nhân lực từ các ngành phù hợp, ngành gần. TP.HCM cần hình thành Quỹ phát triển vi mạch với quy mô vào khoảng 3 triệu USD để hỗ trợ đào tạo cho nguồn nhân lực quan trọng này. Sắp tới Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ đề xuất UBND TP ban hành đề án phát triển nâng cao kỹ năng cho ngành vi mạch bán dẫn.

“Chúng ta có thể thu hút nhân lực người Việt đang làm việc, thiết kế vi mạch ở nước ngoài quay trở về bằng chính sách thuế và các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài mà Nghị quyết 98 cho phép. Thậm chí nếu muốn tăng tốc thì chúng ta tuyển trong vòng 5 năm để hút lực lượng đó về thật nhanh, để phát triển ngành này, để đạt được mục tiêu của mình” - PGS.TS Nguyễn Anh Thi nói.

Tại trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, những học phần liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn cũng đã được đưa vào chương trình đào tạo từ lâu. Giai đoạn này, nhà trường tiếp tục đầu tư các phòng thí nghiệm, nền tảng phần mềm để chuẩn bị tuyển sinh và bắt đầu đào tạo từ năm 2024.

Riêng Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện có 4 trường trực thuộc đào tạo các ngành có liên quan thiết kế vi mạch, đóng góp 50% nhân lực cho lĩnh vực vi mạch tại TP.HCM. Tuy nhiên, từ trước tới nay, không có ngành thiết kế vi mạch, mà cũng chỉ mới đào tạo ngành gần, ngành liên quan, tức lồng ghép với ngành kỹ thuật điện tử hoặc điện tử viễn thông… Trong đó, các ngành liên quan chiếm khoảng 18%, ngành gần chiếm 6% tổng quy mô đào tạo. Đây được xác định là nguồn lực để đào tạo thiết kế vi mạch nâng cao lên thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó ban đào tạo - Đại học Quốc gia TP.HCM, việc đào tạo nhân lực cho thiết kế vi mạch đòi hỏi rất dài, thậm chí là kỹ sư 5 năm cũng chưa làm được việc mà phải học lên cao và còn phải đào tạo chuyên sâu tại doanh nghiệp.

“Việc tuyển chọn sinh viên tham gia ngành vi mạch cũng là một vấn đề mà mình  phải xem xét. Tức là nguồn thì có, điểm cũng rất là cao nhưng mà xu hướng bây giờ sinh viên lại muốn học để ra trường cho nhanh, để đi làm kiếm tiền, rất ít người muốn ở lại học lâu dài hơn. Kêu họ học thêm nữa thật sự rất khó. Do đó, cần có các chính sách về học bổng để khuyến khích các em sinh viên đó tham gia học chuyên sâu vào ngành này” - PGS.TS Trần Mạnh Hà nêu ý kiến.

Hiện Bộ Giáo dục và đào tạo đang chủ trì xây dựng Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm, trong đó có đề xuất chính sách hỗ trợ khuyến khích nguồn nhân lực lĩnh vực điện tử, bán dẫn vi mạch.

Mới đây nhất ngày 29/6/2023 UBND TP.HCM cũng ban hành Quyết định 2673 về tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng nhu cầu tái cấu trúc, cơ cấu các ngành kinh tế Thành phố đến năm 2025 và định hướng đến 2030. Theo đó, có 8 lĩnh vực được ưu tiên để đào tạo, trong đó có lĩnh vực cơ điện tử, tự động hóa, là những lĩnh vực có liên quan đến công nghệ vi mạch.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nghiệp lo lắng thiếu hụt nhân lực để duy trì sản xuất kinh doanh
Doanh nghiệp lo lắng thiếu hụt nhân lực để duy trì sản xuất kinh doanh

VOV.VN - Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực hết mình để duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, sau khi có đủ độ phủ vaccine sớm, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Doanh nghiệp lo lắng thiếu hụt nhân lực để duy trì sản xuất kinh doanh

Doanh nghiệp lo lắng thiếu hụt nhân lực để duy trì sản xuất kinh doanh

VOV.VN - Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực hết mình để duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, sau khi có đủ độ phủ vaccine sớm, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh phát triển sản xuất.

TP.HCM: 51 doanh nghiệp thiếu đơn hàng, 6.000 lao động bị ảnh hưởng
TP.HCM: 51 doanh nghiệp thiếu đơn hàng, 6.000 lao động bị ảnh hưởng

VOV.VN - Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, hiện nay trong tổng số 17 khu Chế xuất và Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

TP.HCM: 51 doanh nghiệp thiếu đơn hàng, 6.000 lao động bị ảnh hưởng

TP.HCM: 51 doanh nghiệp thiếu đơn hàng, 6.000 lao động bị ảnh hưởng

VOV.VN - Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, hiện nay trong tổng số 17 khu Chế xuất và Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

Nhiều doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu thiếu nhân công do lao động “nhảy việc” 
Nhiều doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu thiếu nhân công do lao động “nhảy việc” 

VOV.VN - Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày, xây dựng… sẽ thiếu hụt lao động do tình trạng nhảy việc của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu thiếu nhân công do lao động “nhảy việc” 

Nhiều doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu thiếu nhân công do lao động “nhảy việc” 

VOV.VN - Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày, xây dựng… sẽ thiếu hụt lao động do tình trạng nhảy việc của người lao động.