Doanh nghiệp của thương binh có doanh thu tiền tỷ, giúp nhiều người có việc làm
VOV.VN - Từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, trở về quê hương mang trên mình thương tật, di chứng chất độc màu da cam/dioxin, nhưng bằng ý chí, nghị lực, thương binh Nguyễn Hồng Luật đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế địa phương.
Vui vẻ tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, sạch đẹp với đầy đủ tiện nghi, thương binh Nguyễn Hồng Luật, ở thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) đã hồi tưởng lại những năm tháng kháng chiến gian khổ, khốc liệt mà ông cùng đồng đội từng trải qua.
Trở về quê hương sau một thời gian dài công tác xa gia đình, năm 2010, ông Luật được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú. Khi đó, thực hiện chủ trương chung của tỉnh Bắc Ninh là dồn điền, đổi thửa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân sản xuất nông nghiệp, ông Luật đã mạnh dạn cùng cấp ủy Chi bộ và chính quyền thôn Phú Dư tổ chức họp dân, thống nhất phương án quy hoạch “tiện canh tiện cư” kết hợp làm đường giao thông nội đồng, đảm bảo tiện lợi cho việc cơ giới hóa vào đồng ruộng thực hiện sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Nhờ đó, xe cơ giới vừa và nhỏ chở vật tư, vật liệu đi thẳng xuống từng cánh đồng, đến từng hộ dân có ruộng, giải phóng công sức cho đôi vai của người lao động. Mặt khác, khuyến khích các hộ gieo cấy chuyên canh các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị nông sản. Mô hình này sau đó đã được nhiều thôn, xã xung quanh học tập, làm theo.
“Cùng với việc tham gia vào các hoạt động của thôn, với bản chất “bộ đội cụ Hồ” luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, năm 2019, tôi đăng ký hộ kinh doanh lập xưởng may tại nhà để chuyên sản xuất hàng may mặc phổ thông, sản xuất đồng phục học sinh. Ban đầu xưởng may có 9 lao động, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Sau thời gian hoạt động, đến nay, xưởng may đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 50 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người, doanh thu đạt mức 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 200 triệu/năm"- thương binh Nguyễn Hồng Luật chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, đầu năm 2022, ông Luật tham gia hỗ trợ quản lý Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sạch Phú Thịnh. Đây là đơn vị chuyên trồng các loại rau sạch, không dùng hóa chất, không phun thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo nguồn rau cung ứng cho thị trường sạch 100%.
Nhìn lại cơ ngơi của ông Luật, không ai nghĩ đây là thành quả lao động sản xuất của người mang trong mình di chứng chất độc da cam. Giờ đây, tuổi đã gần 70, nhưng người thương binh ấy vẫn không dành cho mình một ngày nghỉ ngơi, luôn mong muốn tiếp tục cống hiến cho gia đình, cho quê hương.
Ngoài làm kinh tế, ông Luật cũng là Ủy viên thường trực Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh. Ông Luật thường xuyên gặp gỡ, hỏi thăm, trao đổi với các hội viên để nắm tình hình tư tưởng, tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các hoạt động nghĩa tình đồng đội; tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự…
Với những kết quả trên, ông Luật được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh Liệt sỹ, ông Luật đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2022.
Luôn trách nhiệm, nỗ lực không ngừng trong cuộc sống, những thành quả đạt được của thương binh Nguyễn Hồng Luật thật đáng tự hào và là tấm gương sáng cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo./.