Doanh nghiệp Đắk Lắk nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch
VOV.VN - Nhiều lĩnh vực kinh tế của tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các doanh nghiệp ở tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh sản kinh doanh khi dịch bệnh ngày càng bị đẩy lùi...
Trong khu vực phân loại và đóng gói sản phẩm của nhà máy sản xuất bia Sài Gòn Đắk Lắk - Công ty Cổ phần bia Sài Gòn miền Trung, các công nhân đang khẩn trương điều khiển các phương tiện để sắp xếp, di chuyển những sản phẩm đã được đóng gói hoàn thiện, đưa đến kho chứa hàng. Những dòng xe nối đuôi nhau di chuyển trong Nhà máy cho thấy sản xuất ở đây đã phục hồi sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.
Anh Lại Thế Nguyên, công nhân của nhà máy bia Sài Gòn Đắk Lắk cho biết, từ sau Tết Nguyên Đán 2022, mọi hoạt động của nhà máy đã phục hồi được gần 80% công suất, công nhân đã trở lại làm việc bình thường và toàn thể cán bộ công nhân trong công ty đang ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch đề ra của Công ty
“Anh em công nhân cùng toàn thể cán bộ công nhân viên của Công ty quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổng Công ty đề ra cũng như sản lượng của Công ty. Cố gắng phấn đấu năm nay sẽ hoàn thành nhiệm vụ và đạt sản lượng tốt hơn năm ngoái" - anh Nguyên chia sẻ.
Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước, Đắk Lắk cũng đã vượt qua chặng đường cam go nhất, với 107 nghìn tấn hàng hóa đã được vận chuyển trong 3 tháng đầu năm.
Ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước, Đắk Lắk cho biết, hiện Công ty đã đạt 100% công suất sử dụng của đội xe. Cùng với các đơn hàng đến từ các khách hàng truyền thống, Công ty đã nhận được nhiều đơn hàng từ những khách hàng tiềm năng khác. Ông Thanh cho rằng, kết quả này là do ban lãnh đạo Công ty đã giải quyết tốt bài toán không tăng phí vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo doanh thu của Công ty trong thời điểm giá xăng và nhiều chi phí phụ trợ không ngừng tăng.
"Chúng tôi cũng đề ra phương án, tìm nhiều nhà cung cấp để có thể cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp để hoạt động bình thường. Ngoài ra chúng tôi cũng có đề ra những phương án để tiết kiệm nhiên liệu, đặc biệt chúng tôi cố gắng kết hợp hàng hóa để tránh tình trạng chạy rỗng. Tỷ lệ lấp đầy hàng hóa chạy hai chiều sẽ cố gắng đạt lên mức cao nhất để tránh tình trạng tổn phí nhiên liệu", ông Thanh nói.
Đi qua những ngày tháng khó khăn nhất, đời sống xã hội ở Đắk Lắk giờ cũng bắt đầu sôi động trở lại. Bóng đen dịch bệnh đã không còn ám ảnh khi tất cả học sinh đều đã đến trường, các Bệnh viện dã chiến đã hoàn thành nhiệm vụ và dần trở lại với công năng của các cơ sở giáo dục. Trong không khí ấy, ngành du lịch được tiếp thêm năng lượng để hồi sinh….
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, sự hồi sinh của ngành du lịch Đắk Lắk được dựa trên những phương án giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương một cách linh hoạt, hiệu quả trên các phương tiện truyền thông. Dựa trên sự kết nối, mở rộng các loại hình du lịch và dựa trên những nỗ nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới sản phẩm du lịch của từng doanh nghiệp.
“Tôi làm công tác tuyên truyền trong 2 năm vừa rồi rất nhiều và mạnh nên có thể là khách du lịch họ đã nhìn thấy được hình ảnh của Đắk Lắk, để rồi khi có điều kiện thì họ chọn đến với Đắk Lắk. Vừa qua, dịp Tết và nghỉ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương khách đến rất đông, hiện nay cũng đã có sự phục hồi trở lại về lượng khách và các doanh nghiệp thì rất nỗ lực trong việc tìm nguồn khách liên kết với các địa phương. Để tăng dần tỷ trọng khách quốc tế đến với Đắk Lắk, chúng tôi hợp tác mạnh hơn với Khánh Hòa, Đà Nẵng" - bà Phương Hiếu cho biết.
Nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế-xã hội năm 2022-2023, vừa qua Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023, trong đó hướng đến mục tiêu phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; ưu tiên một số ngành hàng lĩnh vực quan trọng, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: “Tỉnh đang tiến hành việc quy hoạch cũng như quy hoạch cơ cấu sử dụng đất, các vùng phát triển. Đảm bảo chất lượng, sát thực tế khi nhà đầu tư đến với tỉnh thì họ có cơ sở để nghiên cứu và người ta khảo sát và quyết định đầu tư. Vấn đề thứ là liên kết giữa các nhà trong việc sản xuất đây cũng là trách nhiệm của tỉnh, tỉnh cũng phải đứng ra thực hiện việc liên kết giữa các nhà trong các khâu sản xuất. Vấn đề thứ ba là vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng như gắn với công nghiệp chế biến sâu và những vấn đề về kết cấu hạ tầng. Trong phạm vi chức năng cũng như vai trò của địa phương, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất”.
Càng gần kỷ niệm ngày Giải phóng Miền Nam và ngày Quốc tế lao động, Đắk Lắk càng đón những tín hiệu khả quan về kinh tế. Trên đà khôi phục, phát triển mạnh, các khu cụm công nghiệp ở tỉnh đang mở rộng cửa đón người lao động; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau khi lập đỉnh hơn 1 tỷ USD năm 2021. Những đồi vải, đồi nhãn bước vào mùa thu hoạch với năng suất và giá bán tốt, đang tạo ra nguồn thu giúp nông dân yên tâm sản xuất… Những tín hiệu tích cực ấy đang mở ra kỳ vọng cho sự phục hồi, phát triển kinh tế của Đắk Lắk./.