Doanh nghiệp lách luật để tăng giá sữa?

Hiện nay, chưa có quy định nào về tần suất tối thiểu giữa hai lần tăng giá. Vì vậy, khả năng các doanh nghiệp lách luật để tăng giá từ từ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí về việc một số hãng tăng giá sữa trong thời gian qua.

Thắt lưng buộc bụng mua sữa cho con

Ngày 9/2 vừa qua, các đại lý sữa trên cả nước nhận thông báo thay đổi giá sữa của các dòng sản phẩm mang nhãn hiệu Anlene bột, Anlene nước và Anmum bột từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Fontera Brands Việt Nam, với mức tăng 10%.

Sữa tăng giá khiến người tiêu dùng thêm khó khăn

Trước đó, ngày 23/1, Vinamilk đã tăng giá sữa từ 5- 7%. Hãng này lý giải do giá nguyên liệu tăng hơn 20%. Cùng với đó là chi phí sản xuất như điện, nước, phí vận chuyển, xăng dầu cũng đều tăng nên Vinamilk buộc phải điều chỉnh giá bán. Ngoài Vinamilk, trong những tháng đầu năm nay, nhiều hãng sữa ngoại như Abbott, Mead Johnson, Nestle… cũng lần lượt tăng hoặc thông báo ý định tăng giá sản phẩm, với mức tăng bình quân từ 5-10%.

Sự tăng giá của các loại sữa trong thời gian qua khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hương, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “So với thời điểm từ Tết đến bây giờ, nhà tôi có trẻ sơ sinh, đi mua sữa tôi thấy giá tăng từ 15.000 – 20.000/hộp bé, còn hộp loại to thì tăng tới 30.000... Tôi thật sự ngạc nhiên vì mức tăng giá này!”

Còn gia đình anh Trần Văn Thắng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, với mức lương của công chức Nhà nước, gia đình anh chỉ đủ khả năng cho các cháu dùng các loại sữa trong nước của Vinamilk, TH True Milk hay Mộc Châu.

Trước sự tăng giá của các hãng sữa thời gian gần đây, vợ chồng anh gặp phải nhiều khó khăn mỗi khi đi chọn sữa để mua cho con mình. Việc kiểm soát giá sữa, giảm giá sữa là mong muốn của vợ chồng anh cũng như những người tiêu dùng hiện nay.

Anh Trần Văn Thắng bộc bạch: “Tôi mong muốn giá cả ổn định để gia đình đỡ phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu những khoản khác để mua sữa cho con. Vì với trẻ con không thể cắt giảm sữa được.... Mình thì thế nào cũng được nhưng sữa là thực phẩm thiết yếu của trẻ nên cần phải có...”

Giá sữa tăng từ từ

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính, do hiện nay không có quy định bắt buộc đăng ký giá nên việc kiểm tra chỉ được tiến hành sau khi các doanh nghiệp đã tăng giá. Thừa nhận đã có tình trạng tăng giá bất hợp lý, ông Thỏa cho rằng, nếu doanh nghiệp tăng giá vì lý do các chi phí và nguyên liệu đầu vào tăng cao, điều chỉnh tỷ giá... thì người tiêu dùng cũng phải chấp nhận.

Đến nay, ngoài Vinamilk có đăng ký điều chỉnh giá, các doanh nghiệp khác đều thực hiện tăng giá theo cơ chế thị trường, nên rất khó kỳ vọng vào một sự can thiệp của cơ quan quản lý nếu mức tăng không quá lớn.

Nói về nguyên nhân của đợt tăng giá sữa lần này, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: “Vừa qua, sự tăng giá của doanh nghiệp đối với loại sữa trẻ em dưới 6 tuổi các doanh nghiệp chưa đăng ký điều chỉnh giá, chỉ tăng giá chủ yếu sữa nước và một số sữa bột khác, không phải cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi. Khi chúng tôi kiểm tra, sự sắp xếp mã số thuế của các loại sữa ấy được thay đổi từ 5-10%. Có một số công ty Nestle, Mead Johnson tăng giá sữa cho một số mặt hàng sữa nước, sữa bột khác mà không phải sữa trẻ em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân chính là do điều chỉnh mã số thuế từ 5-10% đã tác động đến việc tăng giá”.

Ông Thỏa cũng cho biết thêm, hiện nay cũng chưa có quy định nào về tần suất tối thiểu giữa hai lần tăng giá. Vì vậy, khả năng các doanh nghiệp lách luật để tăng giá từ từ là hoàn toàn có thể xảy ra. Nghĩa là người tiêu dùng luôn ở thế bị động, dù giá sữa có tăng đến đâu thì vẫn phải mua vì sữa là một trong những thực phẩm thiết yếu cho sự phát triển của trẻ em./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên