Doanh nghiệp muốn đi xa bắt buộc phải chuyển đổi số
VOV.VN - Hiện nay tỉ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt hơn 18,6%. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ đóng góp của kinh tế số chiếm 40% GRDP. Vậy để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế số này, TP.HCM cần những giải pháp gì?
Chuyển đổi số giảm lao động tăng hiệu quả
Công ty Cổ phần Royal Sachi sản xuất sản phẩm dược phẩm và mỹ phẩm từ hạt, trái Sachi. Vùng nguyên liệu và nhà máy của doanh nghiệp này ở tỉnh Đắc Nông. Riêng ở TP.HCM, công ty có 4 cửa hàng và nhiều đại lý phân phối. Nhờ áp dụng công nghệ số hơn 10 năm nay nên Công ty Royal Sachi giảm chi phí và nhân lực từ 40-50% ở các khâu. Ông Đào Bá Khương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Royal Sachi cho biết, nếu một doanh nghiệp dù là doanh nghiệp vừa, nhỏ hay doanh nghiệp lớn muốn đi xa bắt buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin.
“Ứng dụng công nghệ thông tin thì các quy trình chặt chẽ hơn. Một người có thể làm nhiều việc hơn, vì được công nghệ hỗ trợ, năng suất lao động tăng lên. Chúng tôi quản lý bằng các phần mềm công nghệ thì rất khỏe, tôi đi hắp mọi nơi vẫn xem được báo cáo của doanh nghiệp, điều động nhân sự phù hợp phục vụ công việc, khách hàng tốt hơn. Chúng tôi giảm nhân sự, giảm chi phí, nhưng doanh thu tăng và tăng chất lượng. Khi ứng dụng công nghệ thì chúng tôi luôn tái đào tạo”, ông Đào Bá Khương cho biết.
Không phải doanh nghiệp nào cũng chủ động chuyển đổi số được như Công ty Cổ phần Royal Sachi. Bởi nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa mà theo như ông Hà Thân, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM phân tích, trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở TP.HCM,dữ liệu vẫn chưa liên thông, ứng dụng không tích hợp.
Ông Hà Thân cho rằng, động lực của kinh tế số phải đến từ doanh nghiệp, vì vậy cái khó là thành phố làm sao để đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp hiểu chuyển đổi số là gì, lợi ích như thế nào: “Để tiến lên nền kinh tế số thì doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, như: dữ liệu không liên thông, ứng dụng không tích hợp. Ví dụ: phòng kế toán mua 1 ứng dụng, phòng nhân sự 1 ứng dụng, phòng mua hàng 1 ứng dụng, tất cả các dữ liệu đó không kết nối với nhau, nó rời rạc. Khi lãnh đạo doanh nghiệp muốn nhìn tổng thể về doanh nghiệp thì dự liệu không thể nào kết nối lại với nhau. Vì vậy, chúng ta phải khắc phục tình trạng này”.
Theo ông Alex Phan, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nền kinh tế số đang rất mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới nên có tính rủi ro. Kinh tế số TP.HCM có hai điểm nghẽn là nguồn lực con người và tài chính. Do đó, chính sách phát triển kinh tế số phải nhìn nhận trên góc độ thị trường, trên cơ sở kinh tế số là nền kinh tế rất mới, rất nhiều rủi ro để tiếp cận một cách mềm mại hơn.
Để giải quyết những điểm nghẽn này, ông Alex Phan đề xuất thành phố có chính sách thu hút thêm nhiều nhân tài, nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ. Cũng như cần có nguồn quỹ để tài trợ cho các startup lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Còn theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, theo kinh nghiệm quốc tế thì phát triển kinh tế số thành phố cần đẩy mạnh 3 nhóm: hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, kinh tế số trong các ngành.
Trong đó, thành phố phát triển kinh tế số cần bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ. Thành phố cần tập trung nhóm chính sách về phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số; phát triển và khai thác dữ liệu; phát triển hạ tầng thiết yếu. Đồng thời, cần đưa kinh tế số vào chương trình kích cầu của TP.HCM.
“Tinh thần từ Nghị quyết 98 là cho phép TP.HCM thử nghiệm các cơ chế, chính sách (sandbox) trong kinh tế số sự thử nghiệm chính sách rất quan trọng. Chúng ta phải khai thác Nghị quyết 98 tốt hơn, thành phố đang có giải pháp thúc đẩy Nghị quyết 98 vào cuộc sống, thì chúng ta tận dụng Nghị quyết 98 vào phát triển kinh tế số này”, ông Phạm Bình An nêu quan điểm.
Hiện nay, phát triển kinh tế số là giải pháp quan trọng đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt những mục tiêu tăng trưởng này, TP.HCM cần tập trung phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực và có những chính sách khuyến khích, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này của doanh nghiệp.