Doanh nghiệp muốn kiếm 1 đồng lãi phải chi 1 đồng “bôi trơn“?
VOV.VN -Theo chuyên gia, môi trường kinh doanh Việt Nam không thể khá lên được khi mà doanh nghiệp muốn kiếm 1 đồng lời phải chi ra 1 đồng “bôi trơn”.
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, TS Lê Đăng Doanh trăn trở và lo lắng với thực trạng tham nhũng tại Việt Nam không được phòng chống tốt, thậm chí ngày càng gia tăng. Điều này gây khó cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một chỉ số đáng thất vọng nhất là doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận cần phải trả 0,7-1 đồng tiền chi phí không chính thức.
Gia tăng tham nhũng, hối lộ
Đề cập tác động của tham nhũng và chi phí phi chính thức, TS Lê Đăng Doanh dẫn hàng loạt số liệu của các tổ chức thế giới cũng như trong nước về xếp hạng môi trường đầu tư cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cho thấy tình trạng tham nhũng, hối lộ sau thời gian lắng xuống đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, gánh nặng phí bôi trơn, đút lót đang cản trở ý định mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đang phải "sống chung" với nạn tham nhũng (Ảnh minh họa: KT)
Bức xúc với thực trạng và lo lắng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Doanh dẫn nghiên cứu từ năm 2009-2011 cho biết: “Muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp phải trả từ 0,7-1 đồng tiền chi phí không chính thức”. Không những thế, gần đây có thông tin đáng buồn là “chúng ta phải chứng kiến câu chuyện Nhật Bản 2 lần tạm dừng giải ngân vốn ODA, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam”.
Hệ quả của tình trạng tham nhũng trong nền kinh tế, ông Doanh khẳng định: “Nó làm chệch hướng động lực của doanh nghiệp. Khi đó, những doanh nghiệp đút lót, hối lộ sẽ ít quan tâm hơn đến đổi mới công nghệ hay sản phẩm, một tác động đặc biệt nghiêm trọng trong môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt và đổi mới khoa học-công nghệ là động lực chính cho phát triển hiện nay. Đáng lo hơn, doanh nghiệp chấp nhận tham gia vào các hoạt động tham nhũng một cách thản nhiên”.
Ông Doanh còn bức xúc cho rằng, “tham nhũng sẽ làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, cạnh tranh không còn phản ánh chính xác hiệu quả của các doanh nghiệp vì doanh nghiệp đút lót nhiều hơn sẽ được nhiều ưu đãi hơn và có thể thành đạt hơn doanh nghiệp có hiệu quả nhưng đút lót ít hơn. Doanh nghiệp không đút lót sẽ bị thiệt thòi nhiều mặt”.
Giảm tham nhũng sẽ tăng “sức khỏe” cho doanh nghiệp
Cũng chung bức xúc, lo lắng với ông Doanh, TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng dẫn một loạt số liệu cho thấy, có tới 73% doanh nghiệp phải chi phí lót tay, 43% dân chúng phải lót tay, 33% nhân viên muốn kiếm chức, kiếm vị trí phải lót tay. Điều này, theo ông Kiêm, “khiến chi phí doanh nghiệp tăng vô lối, lòng tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vốn đã giảm lại càng đi xuống”.
Còn TS Lê Đăng Doanh cảnh báo: “Nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện. Tác động gián tiếp của tham nhũng đối với tăng trưởng kinh tế thông qua kênh đầu tư mạnh hơn tác động trực tiếp rất nhiều. Tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư, do đó cản trở sự phát triển”.
Những lo lắng của TS Lê Đăng Doanh là có cơ sở. Bởi theo một khảo sát của VCCI, “nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng (tần suất tham nhũng được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp thừa nhận có chi trả các khoản không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%.
Còn nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%.
Đồng thời, nếu tăng 1% đơn vị tính dự báo của tham nhũng (đo lường bằng tỷ lệ % doanh nghiệp cho biết rằng họ nhận được dịch vụ mong muốn khi trả chi phí không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,6%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1% và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 1,9%”./.