Việt Nam gia nhập TPP: Doanh nghiệp nội ủng hộ mạnh hơn khối FDI
VOV.VN - 66% doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập TPP, trong khi chỉ khoảng 30% doanh nghiệp FDI ủng hộ việc này.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, đối với việc Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp trong nước thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn so với doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp dịch vụ, thương mại biết ít thông tin nhất về TPP
Về kết quả cụ thể của PCI 2014 khi khảo sát ý kiến doanh nghiệp đối với việc Việt Nam gia nhập TPP, GS.TS Edmund Malesky cho biết: Có điểm ngạc nhiên là vẫn còn một nhóm không nhỏ doanh nghiệp cho biết họ không được thông tin về việc Việt Nam đàm phán gia nhập TPP. Trong số này, doanh nghiệp dân doanh chiếm 31,5%, còn doanh nghiệp FDI thấp hơn với 29,8%.
TPP được kỳ vọng mở rộng hơn cánh cửa cho hàng Việt xuất khẩu (ảnh minh họa: KT) |
Một điểm đáng chú ý nữa, theo GS.TS Edmund Malesky, doanh nghiệp FDI từ các nước không là thành viên đàm phán TPP lại được thông tin nhiều hơn về TPP so với doanh nghiệp từ các nước thành viên. Gần 50% doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có nghe nói về TPP nhưng không biết gì sâu về sự đàm phán tham gia của Việt Nam. Trong khi đó, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp từng tìm hiểu sơ sơ hoặc tương đối kỹ và cũng có một số ít doanh nghiệp có bày tỏ ý kiến với Chính phủ về các đàm phán.
Xét theo ngành nghề, dịch vụ, thương mại dường như là những ngành có ít thông tin nhất, với trên 31% doanh nghiệp không biết gì về quá trình đàm phán gia nhập TPP của Việt Nam. Bình luận về chỉ số này, GS.TS Edmund Malesky cho là “điều này đáng chú ý khi mà doanh nghiệp được hỏi trong ngành dịch vụ chiếm 2/3 doanh nghiệp hoạt động trong nước”.
GS.TS Edmund Malesky cho biết thêm, khảo sát cho thấy, 66% doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập TPP, trong khi chỉ khoảng 30% doanh nghiệp FDI ủng hộ việc này. Phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài không quan tâm hoặc cho rằng sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự tham gia của Việt Nam vào TPP.
Trong đó, đa số doanh nghiệp FDI là thành viên TPP tin việc Việt Nam gia nhập TPP sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ. 52% doanh nghiệp cho rằng, mở cửa thị trường sẽ tác động đến họ, còn 49% cho rằng ảnh hưởng tới đầu tư; 45% doanh nghiệp cho rằng, họ sẽ bị ảnh hưởng bởi các lĩnh vực khác như hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ…
Giải thích rõ hơn, GS.TS Edmund Malesky cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ việc thị trường xuất khẩu sang các nước khác được mở rộng và sẽ không bị tổn hại khi TPP làm gia tăng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Ủng hộ Việt Nam vào TPP, nhưng có quan ngại
Đến nay, nhiều đánh giá triển vọng kết thúc đàm phán TPP năm nay là khả quan. Nếu thành công, với 12 nước thành viên, TPP được đánh giá là sẽ điều chỉnh thương mại giao dịch giữa các quốc gia chiếm tới gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam, theo VCCI, tình hình đàm phán TPP đang từng bước tiến triển, tuy có không ít ý kiến trái chiều. Một số ý kiến coi TPP là một cơ hội quan trọng để đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc kinh tế vào một hay một số đối tác nhất định, đảo ngược tình trạng nhập siêu khá lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt từ một số thị trường.
Việt Nam là nước tham gia đàm phán có trình độ phát triển thấp nhất với GDP bình quân đầu người nhỏ hơn 1/3 so với nước thành viên nghèo thứ 2 trong các bên đàm phán. Tuy nhiên, theo nhiều mô hình dự báo, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc tiếp cận thị trường rộng lớn và được lợi đáng kể từ Hiệp định này. Một số ước tính cho thấy, Việt Nam khi gia nhập TPP có thể giành được khoảng 46 tỷ USD và cso tốc độ tăng trưởng 13% so với việc giữ nguyên các cam kết thương mại như hiện nay, nhờ quy mô xuất khẩu tăng tới 37%.
Với những tiềm năng dự báo đó, để lợi ích TPP trở thành hiện thực, doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong và cũng là trực tiếp đón những tác động từ TPP mang lại. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: kết quả khảo sát đánh giá và cảm nhận của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về Hiệp định TPP cho tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp nói chung đều ủng hộ Việt Nam đàm phán và gia nhập hiệp định này mặc dù còn những quan ngại nhất định về khả năng tiếp cập thông tin, ảnh hưởng tiêu cực có thể có từ một số lĩnh vực cam kết.
GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI 2014, cho biết: Dù có những đánh giá tích cực về TPP như trên, nhưng cũng có những luận điểm khác. Trong đó, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi thẳng thắn về lợi ích dự kiến cho các nhà sản xuất Việt Nam. Chẳng hạn, liệu các doanh nghiệp dệt may có được hưởng cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ TPP trong khi ngành này đang phụ thuộc vào nguyên liệu của một số nước khác không phải thành viên TPP? Hay cũng có nghiên cứu chỉ ra những hậu quả về mặt phân phối đối với các công ty Việt Nam, chỉ ra rằng một số ngành công nghiệp, nông sản thế mạnh, thủy sản sẽ có lợi thế, trong khi chăn nuôi, một số ngành nông nghiệp và dịch vụ trong nước như tài chính, bảo hiểu, logistics và phân phối sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài./.