Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phàn nàn việc cấp giấy phép đất đai, công trình kéo dài
VOV.VN - Khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp, đại diện các bộ ngành Trung ương đã trực tiếp giải đáp một số kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến chi phí sản xuất, hậu cần cũng như các hoạt động đầu tư.
Chiều nay (21/12) tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Tham dự hội nghị có 40 doanh nghiệp Nhật Bản, cùng đại diện các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản nêu những vướng mắc và kiến nghị đến chính phủ Việt Nam như: cần đơn giản các quy trình để tạo thuận lợi để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam kể từ sau khi nhận được giấy phép đầu tư. Các vướng mắc về các cơ chế ưu đãi, tỷ lệ nội địa hóa trong nước còn nhiều hạn chế; vấn đề nhập cảnh đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn cần có những giải pháp đơn giản các thủ tục để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa, thủ tục hoàn thuế…
Ông Nakagawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam nêu ý kiến, việc cấp giấy phép đất đai và công trình đang làm mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp Nhật Bản: “Trong số các dự án phát triển của doanh nghiệp thì hiện nay có những dự án thời gian từ khi làm thủ tục, cho đến khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chứng nhận quyền sử dụng đất, doanh nghiệp bị kéo dài hơn 1 năm. Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì khi điều chỉnh quy hoạch còn mất thời gian lâu hơn nhiều so với các dự án do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Quy trình cấp phép đầu tư, rút ngắn hơn nữa thời gian xử lý cho từng khâu từ khi nộp đơn cho đến khi cấp phép”.
Trước những khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp, đại diện các bộ ngành Trung ương đã trực tiếp giải đáp một số kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến chi phí sản xuất, hậu cần cũng như các hoạt động đầu tư, ưu đãi đầu tư, xuất nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài...
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là Hội nghị lần thứ 5 trong năm nay của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và là Hội nghị đối thoại mở lần đầu tiên với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời nêu rõ, nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid 19, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776 trong tổng số 9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ, các hội nghị đối thoại doanh nghiệp mà Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiến hành là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lắng nghe và ghi nhận từ thực tiễn cộng đồng doanh nghiệp những khó khăn, kiến nghị cũng như những đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; Hội nghị cũng mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp thông tin về những chính sách mới của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sau dịch bệnh Covid-19.
Các ý kiến của các doanh nghiệp kiến nghị hôm nay sẽ được tổng hợp để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất để tháo gỡ khó khăn cho từng nội dung. Qua đó nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản phát triển tại Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Với tinh thần trách nhiệm và tin cậy, mục tiêu là chúng ta sẽ tìm giải pháp cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Đồng thời mục tiêu nữa là chúng ta phải tiếp tục để mời gọi các nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu đầu tư Việt Nam và tiếp tục đưa các chuyên gia, các nhà kỹ thuật, lao động cao có trách nhiệm quản lý sang Việt Nam để đầu tư. Chúng ta phải tiếp tục để mở rộng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, để các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục thực hiện đầu tư tại Việt Nam trên cơ sở là hai bên đều có lợi, đảm bảo lợi ích quốc gia của hai nước, đồng thời đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cũng như người dân”./.