Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM lúng túng với “xanh” và “số”
VOV.VN - Doanh nghiệp TP đang gặp phải rào cản về “xanh” và “số”. Mặt hàng nào xuất khẩu cũng bị đòi hỏi phải đảm bảo yếu tố "xanh" và đảm bảo khâu "số" để truy xuất nguồn gốc. Đây là áp lực lớn khi đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đang rối không biết chọn đầu tư chuyển đổi xanh hay chuyển đổi số trước bởi nguồn vốn có hạn.
Sáng 31/10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình KT-XH tháng 10, nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm. Theo đó, trong thời gian còn lại của năm, TP.HCM sẽ tập trung vào khâu giải ngân vốn đầu tư công...
Tâp trung giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ cấp bách
Theo báo cáo của UBND TP, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính IIP tháng 10 tăng 8,9% so với cùng kỳ và tính chung 10 tháng năm 2024 tăng 6,9%.
Tuy nhiên, đến 25/10, TP.HCM mới giải ngân được hơn 17.200 tỷ đồng, đạt 21,8% vốn đầu tư công. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Phạm Trung Kiên, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được xem là nhiệm vụ cấp bách của TP trong những tháng cuối năm. Hiện các sở, ngành đang nỗ lực triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó tập trung giải quyết thủ tục hành chính với tinh thần không tính bằng ngày mà hồ sơ đến là giải quyết ngay.
Sở Kế hoạch – Đầu tư tham mưu UBND TP có nhiều văn bản chỉ đạo để thúc đẩy tiến độ; vận dụng áp dụng các quy định pháp luật để giải quyết song song các thủ tục thay vì chờ thủ tục này xong mới triển khai thủ tục khác; siết chặt kỷ cương kỷ luật trong giải ngân đầu tư công, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn cản trở trong giải ngân đầu tư công; nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, lấy kết quả giải ngân để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm. Ông Phạm Trung Kiên cho biết thêm:
“Tăng cường kiểm tra giám sát việc giải ngân. Hiện Sở đang tham mưu UBND TP xác định danh mục các dự án quan trọng có số vốn giải ngân lớn trong năm 2024. UBND TP cũng đã phân công từng đồng chí thường trực UBND để đi giám sát chỉ đạo cụ thể các dự án. Sở sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận và thúc đẩy các dự án trong các tháng cuối năm”, ông Phạm Trung Kiên cho biết thêm.
Thông tin thêm, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ tháng 8/2024 cũng tác động rất lớn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trong giải phóng mặt bằng. TP.HCM sẽ tập trung giải ngân các dự án còn lại vào tháng 11 và 12/2024 với tổng số vốn khoảng 32.000 tỷ đồng; tháng 11 sẽ giải ngân hơn 7700 tỷ đồng, trong đó có dự án bờ bắc kênh Đôi; tháng 12/2024 giải ngân 48 dự án còn lại với tổng số tiền hơn 25.000 tỷ đồng. Nếu suôn sẻ, đến kỳ giải ngân năm 2024, TP có thể giải ngân trên 95%.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa lúng túng với “xanh” và “số”
Theo báo cáo của Cục thống kê TP.HCM, hiện môi trường kinh doanh trên địa bàn Thành phố chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2024 giảm 1,2% và vốn giảm 16,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 2,4% nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp đã có lại đơn hàng của quí IV và thậm chí là quí I năm 2025; tình hình lãi suất tốt nên áp lực về vốn không còn là vấn đề lớn.
Nhưng vẫn có điều đáng lo là dù có đơn hàng nhưng doanh nghiệp bị ép giá, biên độ lợi nhuận mỏng nên chỉ cần có sự cố gì là sẽ không có lời. Ngoài ra, doanh nghiệp TP đang gặp phải rào cản về “xanh” và “số”. Mặt hàng nào xuất khẩu cũng bị đòi hỏi phải đảm bảo yếu tố "xanh" và đảm bảo khâu "số" để truy xuất nguồn gốc.
Đây là áp lực lớn hơn khi đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đang rối không biết chọn chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đầu tư cái nào trước bởi nguồn vốn có hạn.
Ngoài ra, áp lực về điều chỉnh giá điện; việc tuyển dụng lao động cực kỳ khó khăn khi TP có lượng nhập cư giảm. Mới đây, khi bảng giá đất mới của TP được áp dụng, Hiệp hội cũng kiến nghị TP trả lời các vấn đề về việc áp giá cũ hay giá mới để doanh nghiệp tính toán đầu tư.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoa, dù TP đang đầu tư rất nhiều cho chuyển đổi số nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất lúng túng bởi không biết triển khai từ đâu và rối vì có quá nhiều lời mời chào các giải pháp.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong được Trung tâm Chuyển đổi số và các cơ quan hỗ trợ các triển khai về xanh và số. TP đã có chương trình hỗ trợ lãi suất nên nguồn vốn có thể xoay sở được nhưng quan trọng là chọn giải pháp và bước đi như thế nào cho nguồn lực hữu hạn của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.