Doanh nghiệp nợ BHXH gần 20.700 tỷ đồng
VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị, DN đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh… dẫn đến tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, BHYT.
Ước đến hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm hơn 5% số phải thu. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh “tâm dịch” căng sức đảm bảo quyền lợi người lao động.
Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, tính đến hết ngày 30/6, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là trên 1.500 đơn vị, tương ứng với gần 131.000 lao động và với số tiền khoảng 475 tỷ đồng.
Số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 14 triệu rưỡi. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 737.000 người, tăng so với năm 2019. Số người tham gia BHYT là gần 86 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số.
Tính đến 31/7, ngành BHXH đã giải quyết hơn 70.800 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, gần 540.000 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần. Cùng với đó giải quyết cho hàng nghìn người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Hơn 580.000 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, hơn 7.800 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 92,490 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam tiếp tục đảm bảo các giải pháp tốt nhất cho người khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh được khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm Covid-19; thực hiện thanh toán chi khám chữa bệnh BHYT và sử dụng kinh phí từ quỹ khám chữa bệnh BHYT hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Hiện nay, BHXH các tỉnh “tâm dịch” căng sức đảm bảo quyền lợi người lao động. Cụ thể BHXH TP. Đà Nẵng, Quảng Nam đang lên phương án chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH vào cùng 1 kỳ cho người lao động. Đồng thời, đảm bảo các quyền lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Chúng tôi triển khai các giải pháp để khám chữa bệnh trong điều kiện dịch bệnh như cấp thuốc ngoại trú, phối hợp tốt với Bộ Y tế trong triển khai khai báo y tế điện tử, tra cứu lịch sử khám chữa bệnh của người tham gia khám chữa bệnh BHYT khi cần thiết.
Công tác chi trả lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH, BHYT cũng được thực hiện linh hoạt. Đối với những đối tượng khó khăn, chúng tôi cũng thực hiện chi trả tại nhà, tạo điều kiện cho người dân vừa đảm bảo giãn cách xã hội những cũng đảm bảo quyền lợi cho họ một cách tốt nhất”.
Tính đến tháng 7/2020, ngành BHXH cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại gần 3.500 đơn vị, doanh nghiệp phát hiện hơn 3.600 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 31,534 tỷ đồng; hơn 11.000 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 53,806 tỷ đồng.
Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, sẽ triển khai thanh tra đột xuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid tiếp tục được xét duyệt hồ sơ tạm dừng đóng BHXH đến hết năm 2020.
"Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ lên, không chỉ cơ quan BHXH, nếu thấy có vấn đề nghi vấn thì kể các cơ quan hữu quan như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xác nhận tình trạng của doanh nghiệp để doanh nghiệp có tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hay không và thời gian tạm dừng đóng là bao nhiêu cho sát thực tế. Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, chúng tôi cũng yêu cầu BHXH các địa phương xuống các doanh nghiệp đó để kiểm tra, nắm được thực trạng của doanh nghiệp xem họ khai báo có đúng không, đảm bảo rằng cơ quan BHXH giải quyết đúng theo thực trạng của doanh nghiệp” - ông Đinh Duy Hùng cho biết.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19 ước đến hết tháng 7/2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đạt khoảng 15,271 triệu người, chiếm 31% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều sụt giảm so với cuối năm 2019 bởi tác động của dịch Covid-19, nhưng nhờ vận dụng những giải pháp truyền thông sáng tạo, phù hợp, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong toàn ngành tiếp tục gia tăng./.