Doanh nghiệp thủy sản tìm kiếm thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động
VOV.VN - Năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành thuỷ sản. Thế nhưng, nhờ nỗ lực ứng phó và kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp thủy sản tỉnh Phú Yên đã có sự phục hồi và phát triển đáng kể.
11 tháng năm nay, tỉnh Phú Yên thực hiện kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 121 triệu USD, tăng hơn gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này góp phần cùng cả nước hoàn thành sớm mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 10 tỷ USD vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ngay khi bước vào quý 4/2022, các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản phải tìm cách ứng phó
Tại Công ty thủy sản Trang Thủy, Khu Công nghiệp An Phú, tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp đã tìm đơn hàng với mặt hàng mới để gia công. Lô nguyên liệu cá dũa mới được ký đã giúp hàng trăm lao động tại đây có thu nhập trong thời điểm không ít doanh nghiệp thủy sản phải tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, thiếu đơn hàng.
“Những tháng đầu năm, mình xuất khẩu cũng rất tốt vừa được mùa vừa có giá. Hàng nông lâm thủy sản có nhiều mặt hàng OCOP cũng nói lên chất lượng của mình về mặt xuất xứ an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng và hàng xuất khẩu rất phong phú”, ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên cho biết.
Để vượt qua khó khăn, ngoài việc tìm kiếm các thị trường mới, đẩy mạnh cơ giới hóa, các doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Phú Yên còn tìm cách đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia Châu Âu, Mỹ đã làm thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị cấm biên do ảnh hưởng dịch Covid-19, chi phí logistics tăng cao đột biến trong thời gian qua; thiếu hụt nguồn vốn do lãi suất tăng cao, hạn mức tín dụng bị cắt giảm nên nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên nói.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và các doanh nghiệp thủy sản nói riêng đang thiếu nguyên liệu sản xuất. Cách đây 2 tháng, một số doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến nhưng chi phí vận chuyển tăng kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng. Lợi nhuận của doanh nghiệp quá thấp. Trong khi đó, nguồn lao động cũng đang bị thiếu hụt. Các doanh nghiệp thủy sản phải tuyển thêm lao động mới kịp giải quyết các đơn hàng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
“Tổ công tác gồm có ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp, Ngân hàng, Thuế, Hải quan. Sắp tới sẽ cung cấp những thông tin về các thị trường, thông qua kênh thông tin của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp tham gia vào các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức đến nắm tình hình, để có những kế hoạch sản xuất cho mình và tìm kiếm thị trường mới”, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên thông tin.
Trong xu thế nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên trước những biến động về giá nhiên liệu, về tình hình lạm phát…, hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản không tránh khỏi những tác động khó lường. Tuy nhiên, xác định trong thách thức cũng sẽ tạo ra những cơ hội mới nên cùng với sự trợ lực từ các chính sách tín dụng của Chính phủ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang nỗ lực tìm cách vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động./.