Doanh nghiệp tiết kiệm hơn 171 tỷ đồng khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái
VOV.VN - Mô hình khu công nghiệp sinh thái giúp các doanh nghiệp tiết kiệm trên 171 tỷ đồng/năm, giảm sử dụng điện, nước và giảm phát thải ô nhiễm ra môi trường.
Chiều nay (20/11) tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) khởi động Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Quá trình công nghiệp hoá với tốc độ nhanh tại Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có khu công nghiệp theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.
Giai đoạn từ 2014 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số đơn vị triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại 5 khu công nghiệp ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Trên cơ sở thí điểm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó quy định về khu công nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó là tác động tích cực về kinh tế và môi trường như: giúp các doanh nghiệp tiết kiệm trên 171 tỷ đồng/năm, giảm sử dụng điện, nước và giảm phát thải ô nhiễm ra môi trường.
Lễ khởi động dự án lần này là sự kế tiếp quá trình thí điểm nói trên, nhằm tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện cơ chế chính sách, hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Đồng thời hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật để các khu công nghiệp chuyển đổi từ thông thường sang sinh thái.
Tổng kinh phí của dự án là hơn 1,8 triệu USD, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại là gần 1,7 triệu USD từ Chính phủ Thuỵ Sỹ, vốn đối ứng là 138.000 USD từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án kéo dài 3 năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2021 tại Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, khó khăn khi chuyển đổi khu công nghiệp từ thông thường sang sinh thái là phải thuyết phục các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, và các doanh nghiệp đến thuê hạ tầng trong khu công nghiệp hiểu biết về lợi ích, tìm chi phí để chuyển đổi. Phía cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các quỹ tài chính, hỗ trợ miễn phí các chuyên gia, cung cấp các giải pháp về thông tin và công nghệ trong chuyển đổi.
“Các doanh nghiệp sẽ thấy lợi ích thứ nhất là họ được xác nhận là khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái về mặt hình ảnh, các sản phẩm của họ ra thị trường là thân thiện với người tiêu dùng. Thứ hai, các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật là miễn phí, khi sản xuất họ giảm chi phí, nên có thể doanh thu thuần là tốt hơn” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nói./.