Doanh nghiệp TP.HCM và Indonesia tăng kết nối giao thương
VOV.VN - “Diễn đàn doanh nghiệp mở rộng hợp tác thương mại Việt Nam – Indonesia, giới thiệu về Triển lãm thương mại Indonesia (TEI) lần thứ 38 năm 2023 và tìm hiểu về thị trường Halal” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM tổ chức sáng 5/10.
Diễn đàn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp 2 nước, hướng đến việc thúc đẩy phát triển thương mại giữa Việt Nam – Indonesia thông qua các kênh trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về quy trình cấp giấy chứng nhận Halal, từ việc chuẩn bị và xác minh sản phẩm cho đến việc duyệt định cũng như các yêu cầu cần thiết và những lợi ích từ việc đạt chứng nhận Halal.
Bên cạnh việc mời gọi, khuyến khích doanh nhân Việt Nam tham dự Triển lãm Thương mại Indonesia (diễn ra từ 18 đến 22/10 tại Jakarta), Diễn đàn cũng cung cấp thông tin chi tiết các sản phẩm Halal có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Indonesia với mức đóng góp khoảng 5,1 tỷ USD mỗi năm.
Thời gian qua, kim ngạch thương mại giữa hai Việt Nam và Indonesia ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, nếu như năm 2013 chỉ đạt 4,8 tỷ USD thì 10 năm sau tăng gần 3 lần, đạt 14,1 tỷ USD vào năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Indonesia 8 tháng đầu năm 2023 đạt 9 tỷ USD.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết: ở góc độ địa phương, tính lũy kế đến tháng 9/2023, Indonesia có tổng cộng 73 dự án đầu tư tại TP với tổng vốn 54,11 tỷ USD. Là nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới với hơn 267 triệu người, Indonesia là thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ Halal lớn nhất thế giới. Đây là một thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vì thế theo bà Vân, doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal, đây là điều bắt buộc mà bất cứ nhà nhập khẩu, phân phối nào của Indonesia cũng cần khi có sản phẩm thực phẩm, đồ uống muốn tiếp cận thị trường này.
Hiện tại hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal mới chỉ bước đầu khai phá. Mỗi năm có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm với sản lượng chưa nhiều.
Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đề án đã đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.
Sắp tới, ITPC sẽ phối hợp với Lãnh sự quán các nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Đại sứ quán Brunei tổ chức Diễn đàn hợp tác và phát triển về lĩnh vực sản xuất thực phẩm Halal trong khối ASEAN vào ngày 31/10/2023. Thông qua đó giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, kết nối giao thương và cập nhật thông tin, tiềm năng thương mại của thị trường Indonesia nói riêng cũng như các nước Hồi giáo nói chung. Từ đó có cơ sở hoạch định kế hoạch mở rộng thị trường, tìm đối tác đầu tư kinh doanh.
Theo ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP.HCM, Diễn đàn này là một trong các sự kiện quan trọng nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược với nhiều thành tựu quan trọng.
“Diễn đàn nhằm thông qua một nền tảng nổi bật là Trade Expo Indonesia để mở rộng hơn nữa các cơ hội hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam. Bất chấp việc có một cộng đồng Hồi giáo tương đối nhỏ, Việt Nam đặc biệt được hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm Halal. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ở TP.HCM nếu hiểu rõ hơn về Halal và thị trường của nó sẽ có nhiều lợi thế trong việc mở rộng ngành công nghiệp Halal và tăng nhu cầu về thực phẩm Halal, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu” - ông Agustaviano Sofjan nói.