Doanh nghiệp trước thách thức mở cửa thị trường bán lẻ
VOV.VN - Doanh nghiệp nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, đào tạo nhân lực… để phát triển thị trường bán lẻ.
Mặc dù có nhiều cơ hội và lợi thế, nhưng nếu không có chiến lược cụ thể và không có chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam, và nước ta phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ vào năm 2015.
Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi.
Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đứng trước những thách thức rất lớn |
So với tình hình thực tế phân bố dân cư ở Việt Nam thì mạng lưới bán lẻ còn thưa thớt. Đó cũng chính là khoảng trống để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.
Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam như BigC, Metro, Lotte... Doanh số của siêu thị nước ngoài lớn hơn từ 20-30 lần so với doanh nghiệp Việt Nam, cho thấy phần nào quy mô cũng như sự phát triển của các nhà bán lẻ quốc tế. Đây là một trong những thách thức đối với doanh nghiệp trong nước.
Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho biết: “Tới đây, mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ thì doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Như về vốn, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào vốn trên 100 triệu USD. Thế nhưng, lợi nhuận của WallMart, 1 quý lên đến hơn 1 tỷ USD. Nếu doanh nghiệp không liên kết, không có chiến lược, bước đi phù hợp, cơ chế thuận lợi thì sẽ rất khó khăn”.
Thực tế, cách đây 5-6 năm, 4 doanh nghiệp bán lẻ lớn gồm Hapro, Satra, Phú Thái và Sài Gòn Co-op đã tham gia liên kết, nhằm xây dựng một thương hiệu lớn, tạo thế cân bằng với các tên tuổi bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay mối liên kết này không được như kỳ vọng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; thiếu mặt bằng logictis, kho bãi, điểm bán hàng và thiếu cơ chế hỗ trợ của nhà nước.
Chỉ tính riêng chi phí mặt bằng kinh doanh đã chiếm từ 30-40% vốn đầu tư của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ ngoại lại có thế mạnh về vốn, tài chính, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng, con người... Do đó, bà Loan cho rằng, doanh nghiệp nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất – phân phối – bán lẻ để có mức giá hấp dẫn…đồng thời rất cần cơ chế, chính sách của nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước mở rộng thị phần.
Bà Loan nhấn mạnh: “Một trong những điểm nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội chính là phải giải quyết được mặt bằng bán lẻ. Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất để phục vụ bán lẻ. Đối với hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ở các công trình công cộng đề nghị cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tham gia sử dụng có hiệu quả quỹ mặt bằng ở các tuyến Metro, điểm bán lẻ dưới lòng đất để phát triển trong bối cảnh hết sức khó khăn này”./.