Doanh nghiệp Việt khó khăn trong đổi mới sáng tạo
VOV.VN -Cơ sở hạ tầng cho đổi mới sáng tạo nghèo nàn, chính sách hỗ trợ yếu, hệ thống giáo dục bậc cao yếu, lao động năng suất thấp...
Chiều nay (19/5), tại TPHCM, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với Đại học Quốc gia TP HCM, Cục Công tác phía Nam của Bộ Khoa học- Công nghệ tổ chức Diễn đàn quốc tế về Kinh doanh sáng tạo lần thứ 2.
Diễn đàn lần này có chủ đề “Đổi mới sáng tạo- Lợi thế cạnh tranh thời kỳ mới”, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Nguyễn Quân, Đại sứ các nước Israel, Thụy Điển và 300 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân.
Tại Diễn đàn, một lần nữa các đại biểu khẳng định: trong điều kiện phát triển kinh tế toàn cầu như hiện nay, chỉ có đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển được. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp đã thành công bằng đổi mới, sáng tạo từ nhiều năm nay vẫn đang tiếp tục thúc đẩy quá trình này, như: Điện Quang, Trung Nguyên, Vinagame, Vietel… Nhưng những tên tuổi làm được như thế chưa nhiều và cần thiết phải khuyến khích, hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đủ khả năng và sự tự tin để cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia ngay tại thị trường nội địa.
Muốn đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp Việt hiện đứng trước hàng loạt khó khăn như: cơ sở hạ tầng cho đổi mới sáng tạo nghèo nàn, chính sách hỗ trợ yếu, hệ thống giáo dục bậc cao yếu, lao động năng suất thấp, hạn chế trong tiếp cận tài chính…
Cũng tại Diễn đàn, đại diện của Israel và Thụy Điển đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm trong hoạt động đổi mới, sáng tạo ở hai nước này hàng chục năm qua. Cụ thể như với Israel, một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, hơn 70 năm trước chỉ có đầm lầy và sa mạc thì nay là quốc gia đứng đầu thế giới về năng lực sáng tạo, về số lượng kỹ sư trên bình quân đầu người, về tỷ lệ đầu tư mạo hiểm…
Israel hiện có 8 triệu dân với hơn 5.000 công ty khởi nghiệp và hơn 250 trung tâm nghiên cứu phát triển đa quốc gia đặt ở đây. Đó là nhờ nước này đã khích lệ được những người trẻ nhìn vào thành công của các tập đoàn lớn để sáng tạo, tìm lấy thành công cho mình. Chính phủ nước này đã tạo điều kiện tối đa, cùng với doanh nghiệp và các trường đại học hình thành một “Hệ sinh thái doanh nghiệp”.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân, “phải phân tích, đánh giá những gì mà chúng ta đã học được, ứng dụng vào, tìm ra giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam của chúng ta có thể đổi mới sáng tạo thành công, tạo ra sản phẩm mới, tạo ra nhiều doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao, đủ sức bước chân vào quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu”./.