Doanh nghiệp vùng ĐBSCL chuyển mình vượt qua dịch Covid-19
VOV.VN - Nhiều DN đã chuyển mình để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Năm 2020 kinh tế ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với ĐBSCL, tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế được xem là nhẹ nhàng hơn so với các trung tâm công nghiệp, thương mại và du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN không thể vượt qua được cú sốc của dịch Covid-19, buộc phải ngưng hoạt động hoặc đóng cửa kéo theo người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập. Nhưng cũng có nhiều DN nỗ lực vượt qua khó khăn, thích nghi với điều kiện hiện tại để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2020 đã chứng kiến những đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vùng ĐBSCL, nhiều DN không thể trụ nổi buộc phải ngưng, dừng hoạt động kéo theo nhiều lao động bị ảnh hưởng và mất việc làm từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã cho thấy sự vận dụng linh hoạt của các DN khi đối mặt với thử thách lớn chưa từng thấy, nhiều DN đã chuyển mình để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Thống kê của VCCI chi nhánh Cần Thơ, hết tháng 11/2020, ĐBSCL thu hút được 140 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD chiếm hơn 6% về số dự án đăng ký mới và 22% về vốn đăng ký đầu tư của cả nước. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của vùng vẫn ổn định. Đây là tín hiệu vui khi DN đã vượt khó để khẳng định mình trên thương trường.
Vượt qua khó khăn để khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng
Là một DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bánh kẹo, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ hàng hóa của đơn vị. Nhiều đơn hàng bị hủy, doanh thu sụt giảm, tiền nhân công lao động là gánh nặng đối với doanh nghiệp trong lúc khó khăn, chồng khó khăn.
Tuy nhiên, ông Trần Lê Hùng, Công ty Tiến Anh, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chia sẻ, nhờ vận dụng tối đa kênh thông tin, bán hàng trực tuyến, tặng thêm cho khách hàng khi mua sản phẩm đã giúp DN vượt qua lúc khó khăn nhất, từng bước ổn định lại sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Hùng, trước sức ép của dịch Covid-19 buộc DN phải thay đổi để thích nghi với điều kiện hiện tại, việc bán hàng của đơn vị chuyển sang trực tuyến, điều này giúp DN ổn định sản xuất và vẫn thu hút được lao động trước những tác động từ dịch Covid-19. Vấn đề cốt lõi là DN phải nhìn được vấn đề, chuyển mình để thích nghi và điều đặc biệt là sự hỗ trợ trong xúc tiến, đầu tư, tiếp cận thị trường tìm kiếm đối tác, đây là điểm mấu chốt để vượt qua khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19.
“Dịch đến khiến DN bắt buộc phải thay đổi 180 độ. Trước đây DN thường chở hàng đến cho khách hàng nhưng trong dịch họ mua nhỏ lẻ, không còn mua nhiều nên phải dùng phương pháp xe đò, xe tải và bưu điện. Cách làm này đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong thời gian Covid-19 nên sau đây còn có thể đáp ứng tốt hơn nữa”, ông Hùng cho biết thêm.
Không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến lĩnh vực du lịch, đây có thể xem là ngành bị tác động mạnh và trực tiếp từ khi xuất hiện dịch Covi-19. Các công ty du lịch bị hủy tour, tuyến, không có khách cũng đồng nghĩa với việc không có doanh thu buộc phải ngưng hoạt động hoặc đóng cửa. Đã có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch không thích ứng được đã phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh ngành hàng khách.
Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty du lịch C2T Bến Tre cho biết, lúc khó khăn nhất đã nghĩ tới chuyện đóng cửa công ty, nhưng với sự quyết tâm bám trụ thì công ty đã thay đổi để thích nghi trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19. Không có khách du lịch, công ty chuyển sang giới thiệu và bán đặc sản của địa phương thông qua mạng xã hội. Mặc dù doanh thu không bằng những năm trước đây, nhưng vẫn ổn định được cuộc sống cho nhân viên và công ty đang xây dựng chiến lược, chờ cơ hội để đột phá trong thời gian tới.
“Từ khi dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, DN đối diện với nguy cơ bị đóng cửa. Nhưng ngay sau đó DN đã có chiến lược chuyển đổi, đề ra kế hoạch kinh doanh theo hàng tuần và liên tục chạy quảng cáo để bán nông sản đặc sản địa phương, nhất là sản phẩm OCOP”, ông Phong chia sẻ.
DN chuyển mình để vượt qua dịch Covid-19
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế của Việt Nam và vùng ĐBSCL. Nhiều DN không trụ nổi phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc kinh doanh cầm chừng.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã chứng kiến sự cấu trúc lại của các DN, trong đó đã chú trọng hơn về thị trường trong nước thay đổi bao bì, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng tiếp cận người tiêu dùng. Sự chuyển mình để thích nghi của DN vùng ĐBSCL được chứng minh qua 11 tháng năm 2020 đã có hơn 9.400 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, tốc độ tăng trưởng trung bình về số DN vùng ĐBSCL giai đoạn 2015 – 2020 khoảng 14%/năm, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhưng số DN đang hoạt động tăng 18% so với cùng kỳ cho thấy khả năng phục hồi của DN rất tốt.
DN kinh doanh ổn định sẽ tác động lớn đến tăng trưởng và phục hồi kinh tế của vùng ĐBSCL. Ngoài ra, các DN cũng đã chú trọng hơn đến thị trường trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa để cung ứng cho người tiêu dùng trong nước, trong bối cảnh khó khăn về xuất khẩu thị trường trong nước đã giúp DN ổn định lại sản xuất, kinh doanh.
“Các DN cần tái cấu trúc và nhiều DN đã sắp đặt lại, cơ cấu lại để quản trị lại tốt hơn, tính hiệu quả được tập trung nhiều hơn. Một số DN lĩnh vực đầu tư dài hạn bắt đầu điều chỉnh lại làm sao có chu kỳ kinh doanh hiệu quả, điều này cho thấy sự năng động, điều chỉnh tích cực của DN để tạo ra hiệu quả rõ rệt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế”, ông Lam nhận xét.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, rõ ràng dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam, số DN giải thể và thành lập mới gần như tương đương nhau. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cho thấy DN đã linh hoạt để thích ứng với những tác động của dịch, tái cấu trúc lại DN, định vị lại thị trường, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng và chiến lược cạnh tranh, đồng thời đã chú trọng, tập trung vào thị trường trong nước.
“Các DN cần thay đổi chất lượng sản phẩm, chất lượng quản trị, phải cải thiện năng suất và xây dựng thương hiệu của mình cũng như nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. DN cũng cần có cách tiếp cận thị trường, tìm kiếm thêm những thị trường mới hoặc xây dựng những thị trường vững chắc hơn, kể cả thị trường ở trong nước mà không nhất thiết phải lao vào xuất khẩu”, bà Lan nói.
Nhìn lại năm 2020 với nhiều thách thức và cơ hội đan xen, từ dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vùng. Nhờ sự quyết tâm của chính quyền các địa phương, người dân và cộng đồng DN đã linh hoạt, vận dụng thời cơ, cơ hội để nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách đạt được những kết quả trong xuất khẩu trong thời gian qua, cùng nhau đóng góp vào phát triển kinh tế của vùng và đất nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Với những thách thức phía trước, kinh tế vùng ĐBSCL đang kỳ vọng vào hiệp định EVFTA mở ra những cơ hội để nông sản của vùng vững bước vào thị trường châu Âu./.