Chi phí logistics cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thấp
VOV.VN - Chi phí logistics ở mức cao đang là một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể nâng cao sức cạnh tranh.
Mặc dù đã được chú trọng đầu tư phát triển những năm gần đây, song theo đánh giá của giới chuyên gia, chi phí logistics của Việt Nam hiện vẫn ở mức cao. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics tại Việt Nam ước tính khoảng 16,8% GDP, trong khi theo báo cáo của Armstrong, chi phí này ở Thái Lan là 15% và Singapore 8,5%.
Là một ngành có đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn, tuy nhiên có thể nói rằng, ngành dệt may đang là ngành chịu gánh nặng chi phí logistics nhiều nhất. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chi phí logistics của Việt Nam đối với ngành này hiện cao hơn các nước trong khu vực, cụ thể so với Thái Lan, chi phí của Việt Nam cao hơn 6%, cao hơn Trung Quốc 7%, Malaysia là 12% và cao gấp 3 lần Singapore.
Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm dệt may so với các nước trong khu vực cho dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp nhất. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, chính chi phí logistics cao đang là một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể nâng cao sức cạnh tranh.
Việt Nam thiếu cảng nước sâu nên hàng hóa phải trung chuyển cũng khiến chi phí logistics tăng cao. |
Ngoài ra theo bà Vân, các phụ phí của các hãng tàu cao cũng là nguyên nhân đẩy chi phí logistics lên cao. Hiện nay, đa số hàng nhập nguyên phụ liệu của doanh nghiệp dệt may nhập về và hàng xuất đi là do phía nước ngoài chỉ định hãng tàu. Doanh nghiệp không được thỏa thuận, do đó phải chịu mức phụ phí rất cao, đơn cử phí xếp dỡ hàng hóa, ở mức từ 90 - 250 USD, phí lệnh giao hàng từ 550.000 - 730.000 đồng, ngoài ra các phí khác như phí vệ sinh conterneir cũng cao (từ 490.000 - 680.000đồng/container).
Do đó, hiện nay các doanh nghiệp dệt may rất quan tâm tới việc giảm chi phí giá thành logistics. Đặc thù của ngành dệt may là có tới 80% doanh nghiệp sản xuất gia công, có quy mô vừa và nhỏ.
Theo bà Vân, để có thể giảm được chi phí này, các doanh nghiệp có thể xem xét tới khả năng mua chung nguyên phụ liệu nhằm giảm tải áp lực chi phí vận chuyển. Cùng với đó, thay đổi tập quán kinh doanh, chuyển nhập nguyên phụ liệu từ hình thức CIF (doanh nghiệp vận chuyển chủ động đàm phán cước quốc tế, nhà sản xuất chỉ nhận hàng) sang hình thức FOB (nhà sản xuất chủ động chỉ định dịch vụ vận chuyển và cước quốc tế ).
“Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc sử dụng dịch vụ logistics trọn gói, chủ động trong quản lý cung ứng nguồn nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển, kiểm soát được thời gian giao nhận hàng để làm chủ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, bà Vân nêu quan điểm và cho biết thêm, Tân Cảng Sài Gòn là một trong những doanh nghiệp đang chú trọng phát triển hệ thống logistics làm giảm thiểu chi phí lĩnh vực này cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Theo bà Vân, một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn các nước cùng khu vực là do Việt Nam thiếu cảng nước sâu tại phía bắc, hàng hóa phải trung chuyển ở nước ngoài trước khi xuất sang Mỹ và châu Âu, do vậy, doanh nghiệp phải trả phí xếp dỡ hàng 2 lần cảng và chi phí này cao hơn từ 200 – 300 USD/container so với việc xuất thẳng từ cảng nước sâu tại Việt Nam.
Do đó việc ra đời của Cảng container quốc tế Hải Phòng là cảng nước sâu đầu tiên ở phía Bắc sẽ giúp cho việc đón tàu mẹ đi thẳng sang các nước Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ. Doanh nghiệp nhờ đó sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian khi xuất tàu sang các thị trường này.
Nhận định về thực trạng ngành logistics nước nhà hiện nay, ông Lê Duy Hiệp- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) cho rằng, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao.
“Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các doanh nghiệp hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.hiện kết nối dịch vụ logistics còn yếu, do đó rất cần tăng cường sự hợp tác thông qua phối hợp thông thường hoặc sáp nhập các doanh nghiệp logistics thành doanh nghiệp lớn”, ông Hiệp lưu ý./.
Nâng cao sức cạnh tranh quốc gia bằng giảm chi phí logistics