Chuyện nuôi bò sữa ở Nghệ An

VOV.VN -Ai cũng bảo sữa bò của mình tươi ngon, vậy đâu là mẫu số chung cho tất cả?

Tuổi thơ của tôi không biết sữa bò là gì. 

Lớn lên trong thời gian khó, có chút sữa lại nhường cho con. Đến khi về già, ốm đau, bạn bè cho cân đường, hộp sữa, con cái chăm nom, sữa nước, sữa bột đối với tôi không còn là của hiếm.

Tôi còn nhớ, cách đây 5 năm, các cháu nội của tôi đang cần sữa thì thị trường sữa gặp sự cố melamine. Ai dám bảo đảm sữa trên thị trường nội không có độc tố này khi mà 92% nguồn sữa bột của ta lúc đó phải nhập ngoại?

Dư luận bất bình, trách người, rồi tự trách ta chưa có nguồn sữa sạch cho người tiêu dùng, nhất là người già, người bệnh và trẻ em, những người dễ bị tổn thương trong xã hội..

Một ngày cuối năm 2010, tin vui đến từ phát thanh, truyền hình, trên các trang báo là: công ty cổ phần sữa TH chính thức ra mắt thị trường sữa sạch TH True Milk. Người tiêu dùng mừng vui đón nhận. Sau này tôi mới biết giây phút ấy, bà Tổng Giám đốc Thái Hương xúc động rơi nước mắt. Giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc của người trồng cây được đón quả ngọt đầu mùa.

Tính tôi tò mò, khi nghe dư luận lao xao rằng người ta “quấy sữa bột thành sữa tươi” càng muốn biết sữa tươi ngon, tinh khiết lấy từ đâu ra.

Mới đây tôi có dịp lên Mộc Châu (Sơn La), vào thành phố Vinh thăm cơ sở chế biến sữa của VinaMilk rồi lên Nghĩa Đàn, Nghệ An thả mình vào những cánh đồi cỏ bạt ngàn, xanh mướt, chăm chú ngắm nhìn đàn bò sữa căng tròn, quan sát cả một dây chuyền tự động từ chế biến thức ăn cho bò đến nhà máy sản xuất sữa tươi TH True Milk. Tôi hiểu thêm một chút về cốc sữa tươi mát lành trên tay.

Cái nắng hè miền Tây Nghệ An chát chúa làm bật ra câu hỏi bỏng rát: “Đất đồi cằn cỗi thế này, nắng chang chang thế này mà đàn bò sữa từ New Zealand, từ Australia, Canada sống được ư? Anh Cần, Trưởng ban Đối ngoại của công ty, nguyên là Chánh Văn phòng huyện ủy Nghĩa Đàn thông thạo miền đất này lại say sưa với đàn bò ngoại, lít sữa tươi, cho hay: Đây là kết quả lựa chọn của Tổng Giám đốc TH TrueMilk Thái Hương.

Tôi càng tò mò hơn, hỏi chuyện nhiều chuyên gia nội và chuyên gia New Zealand, Israel đang có mặt tại đây. Thì ra ngay từ đầu bà Thái Hương đã có tầm nhìn xa, nhận ra nguyên nhân chưa thành công của ngành nuôi bò sữa nước nhà là chạy theo phong trào, trước mắt nhằm xóa đói giảm nghèo mà chưa nhận ra tính chuyên nghiệp khắt khe của nó, chưa có bước đột phá cần thiết. Bước đột phá không có gì xa lạ mà nằm ngay trong những vấn đề cơ bản là quy trình và sự tuân thủ.

Thái Hương có cách nhìn nhận vừa cầu tiến, vừa tự quyết là: cái gì mình chưa giỏi thì tìm học người giỏi, mình đã giỏi thì tìm người giỏi hơn. Quan niệm này đã đưa bà đến tận miền đất xa xôi Israel để học hỏi.

Đây là một nước bán sa mạc, khí hậu còn khắc nghiệt hơn Nghĩa Đàn, nhưng chất lượng sữa bò của họ và các sản phẩm nông nghiệp khác đứng hàng đầu thế giới. Bí quyết thành công của họ là quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại vào hàng bậc nhất thế giới. Chính các chuyên gia ở đây đã tư vấn cho bà Hương nhập khẩu giống bò sữa của New Zealand, Canda và Australia, là những nước có giống bò sữa tốt nhất, với phả hệ rõ ràng.

Chiều khách, anh Cần cho chúng tôi đi tham quan từ đồi cỏ nguyên liệu, “đầu nguồn dòng sữa tươi” theo cách ví von của dân Xứ Nghệ. Hai bên đường là bạt ngàn cỏ Mombasa (nhập từ Mỹ), cao lương, ngô sữa và hướng dương được tưới tắm từ nguồn nước sông So, chăm bón từ phân hữu cơ. Bò được ăn cỏ sạch ủ chua, diệt khuẩn, được uống nước sạch từ nhà máy sản xuất, chất lượng không kém nước tiêu dùng, được tắm mát, sạch sẽ, được nghe nhạc mỗi ngày.

Các chuyên gia Israen thiết kế chuồng trại hợp lý, bảo đảm vệ sinh, bảo đảm nhiệt độ trong chuồng kém bên ngoài 5 độ, nên mùa gió Lào, nắng gắt, đàn bò vẫn phát triển bình thường. Đàn bò đã trên 30.000 con, một nửa đã cho sữa, mỗi con được gắn một con chíp điện tử để theo dõi sức khỏe. Tất cả được kết nối vào trung tâm máy tính giám sát kỹ lưỡng nên con bò nào ốm, con nào động dục để hiện rõ trên màn hình, và kịp thời xử lý. Máng ăn của mỗi con bò cũng được kết nối thông tin, hiện chỉ số trên mỗi máy tính gắn trên xe đổ thức ăn vào máng nên không thể nhầm lẫn, không ăn bớt số lượng, khẩu phần, hoặc bỏ sót.

Hàng trăm chú bê con ngơ ngác nhìn khách. Tôi hỏi đây là F mấy? Anh Cần trả lời gọn lỏn: “Không có F nào hết.” Anh cười thoải mái rồi giải thích: “Có nghĩa là chúng tôi không phải lai tạo mà hoàn toàn thuần chủng do bò được phối giống từ tinh trùng gốc của nước ngoài mang về.” Cũng có nghĩa là đến một lúc nào đó, Công ty không phải nhập khẩu bò.

“À ra thế”- Miên man suy nghĩ, tôi rảo bước đến nhà máy chế biến sữa, định bước qua cửa lớn cho nhanh, nhưng anh Trưởng ban Đối ngoại đã chặn lại, hướng về cánh cửa nhỏ. Thì ra mỗi quý khách được trang bị ủng, áo quần, mũ bảo hộ trắng tinh, đi qua khu vực khử trùng trước khi vào nhà máy.

Nhà máy là một dây chuyền tự động hóa hoàn chỉnh từ khâu nhận sữa nguyên liệu đến khi cho ra từng hộp sữa. Sữa được bảo đảm theo một chu trình khép kín, luôn ở trong nhiệt độ lạnh (-4 độ C), tránh được tất cả những tác động của ngoại cảnh. Kỹ sư, công nhân chỉ mỗi một việc là điều khiển máy móc và đóng gói, chuyển sản phẩm lên xe, đưa đi tiêu thụ. Tôi nói vui: “làm gì cũng máy móc cả, bộ phận nào cũng có camera săm soi, chỗ nào cũng có màn hình hiển hiện thì làm sao mà gian dối, cẩu thả được.”

Anh Cần chỉ tay về phía nhóm chuyên gia. Tôi hiểu lúc này chuyên gia đang kèm cặp, đào tạo anh chị em trong Công ty học việc. Được cái, người Việt mình tiếp thu rất nhanh, bạn rất tin tưởng. Bây giờ cho đến khi toàn bộ các công đoạn không còn chuyên gia thì vấn đề hàng đầu là kỷ luật, “kỷ luật thép” và tất nhiên ai cũng phải có cái tâm, cái “tâm sạch” nền tảng để cho ra đời những dòng sữa tươi ngon, thanh khiết.

Nhà máy Sữa tươi sạch Nghĩa Đàn có sản lượng giai đoạn 1 là 200.000 tấn/năm, vào năm 2017 là 500.000 tấn/năm. Và lúc ấy đàn bò có 137.000 con. Dự tính, TH True Milk sẽ cung cấp cho thị trường 50% nguồn sữa tươi nguyên liệu cho cả nước.

Bỏ ra 1.200 triệu USD để thu lại một kết quả như ước vọng thật không dễ dàng chút nào.

Đến nay, mới có chưa đầy 1/4 người dân Việt Nam dùng sữa. Tới đây cả trăm triệu dân có sữa uống, quả là dư địa rộng lớn cho không chỉ TH True Milk mà cả VinaMilk, Mộc Châu, Ba Vì và nhiều đơn vị khác. Điều cốt yếu là phải có dòng sữa sạch, tinh khiết, bổ dưỡng.

Trong thương trường, cạnh tranh là khốc liệt. Ai cũng bảo sữa bò của mình tươi ngon, vậy đâu là mẫu số chung cho tất cả?

Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Công thương, Bộ Y Tế, Bộ Khoa học Công nghệ và những ngành liên quan sớm cho ra đời bộ tiêu chí chuẩn về sản phẩm sữa. Theo đó, trên mỗi hộp sữa phải có nhãn mác, thông tin đầy đủ thành phần nguyên liệu đầu vào. Sữa bò ở trang trại nào phải nói rõ, cụ thể trang trại đó, có biến đổi gen hay không? Nếu sữa bò thu mua của nông dân thì ghi rõ ràng, sữa hoàn nguyên cũng nêu rõ sữa hoàn nguyên. Làm được như vậy không chỉ bảo đảm chất lượng đúng quy chuẩn mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên