Cuốn sách truyền cảm hứng về sự vươn lên của doanh nhân Việt
Cuốn sách “Competing with Giants” kết nối sự quan tâm của thế giới với thị trường Việt, doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt.
Đã có hàng nghìn nhà báo từ 218 hãng thông tấn khắp nơi trên thế giới tới Hà Nội để đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Rất nhiều câu chuyện bên lề đã được các phóng viên khai thác triệt để. Riêng với tôi, câu chuyện bên lề thú vị nhất chính là việc tình cờ chia sẻ cuốn sách kinh tế ý nghĩa tại Trung tâm Báo chí quốc tế với đồng nghiệp phóng viên nước ngoài.
Cuốn sách tiếng Anh “hút hồn” phóng viên quốc tế
“Là một người làm báo chuyên theo dõi thời sự chính trị, tôi thường xuyên theo dõi những vấn đề kinh tế nổi lên để nắm được những tác động qua lại của hai lĩnh vực kinh tế và chính trị này. Điều đó cũng giải thích tại sao có nhiều nhà báo tại đây viết đồng thời cả hai mảng chính trị và kinh tế”, Natalie Forrest - nữ nhà báo kiêm người dẫn truyền hình nổi tiếng Australia chia sẻ tại Trung tâm Báo chí quốc tế của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai chia sẻ.
Bất chợt, Natalie Forrest quay sang hỏi tôi: “Ở Việt Nam có câu chuyện nào thú vị về kinh tế, như một sự vươn lên thần kỳ hay nỗ lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa không?”. “Có đấy!” - Tôi đã có ngay câu trả lời để không khiến nữ nhà báo xinh đẹp của Australia phải thất vọng.
Nữ nhà báo kiêm người dẫn truyền hình nổi tiếng Australia Natalie Forrest thích thú khi nhận cuốn sách “Competing with Giants”. |
Bởi may mắn là trước đây, tôi từng tham dự buổi ra mắt ấn tượng của cuốn sách “Competing with Giants” (Tạm dịch: “Vượt lên người khổng lồ”) của tác giả Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đây là cuốn sách đầu tiên của một tác giả Việt Nam được xuất bản bởi ForbesBook danh tiếng của các doanh nhân, tỷ phú thế giới, ra mắt lần đầu tiên vào năm ngoái ở New York (Mỹ).
Cuốn sách kể về câu chuyện một doanh nghiệp Việt Nam (Tân Hiệp Phát) đã cạnh tranh và giành ưu thế trước các đối thủ khổng lồ đến từ Mỹ (Coca-Cola, Pepsi), tại thị trường Việt Nam. Tôi đã trao đổi sơ lược về nội dung cuốn sách với cô Forrest và chứng kiến nữ nhà báo quốc tế thể hiện sự tò mò, quan tâm khi biết sự thật của việc chối từ đề nghị của Coca Cola muốn mua lại cổ phần với trị giá thương vụ 2,5 tỷ USD đối với Tân Hiệp Phát.
“Thật sao? Thật thú vị! Hai ông lớn Coca-Cola và Pepsi lại bị một doanh nghiệp Việt cạnh tranh sòng phẳng vậy sao? Chắc chắn tôi sẽ mua cuốn sách đó về để khám phá!”, cô Natalie Forrest bày tỏ.
Trước sự quan tâm đó, tôi đã thử liên lạc với tác giả cuốn sách để hỏi ý kiến về việc tặng cuốn sách. Bởi khi được tặng sách từ tác giả, ý nghĩa và cảm xúc thân thiện sẽ lớn hơn rất nhiều. Nữ tác giả đã đồng ý ngay. Ngày hôm sau, khi cầm trên tay cuốn “Competing with Giants” để tặng nữ phóng viên Australia, đã có rất nhiều phóng viên quốc tế khác quan tâm và tới hỏi tôi về cuốn sách này.
Cô Natalie Forrest hào hứng chia sẻ với các đồng nghiệp: “Tôi theo dõi cả mảng chính trị và kinh tế, và thực sự khi nghe giới thiệu về cuốn sách này, tôi cảm thấy háo hức và tò mò. Tôi rất quan tâm tới những câu chuyện liên quan đến các doanh nghiệp lớn của Mỹ, và việc họ bị đối thủ cạnh tranh vượt qua tại thị trường này quả là rất đáng để tìm hiểu. Cảm ơn vì món quà! Nhờ đó mà tôi đã có thể cười, bởi suốt buổi chiều nay là không khí căng thẳng khi theo dõi diễn biến Hội nghị Thượng đỉnh chưa có ký kết tuyên bố chung như dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo”.
Nữ nhà báo Pan Mengqi của Báo China Daily (Trung Quốc) tìm hiểu cuốn sách Competing with Giants. |
Do số lượng sách gửi tặng chỉ có rất ít, nên tôi đã cảm thấy rất áy náy khi không thể gửi “Competing with Giants” tới tất cả nhà báo quan tâm tại đó. “Nghe giới thiệu về cuốn sách, tôi rất tò mò và muốn khám phá. Các doanh nghiệp ở nước chúng tôi đang ở cả 2 vai trò xuất hiện trong cuốn sách: Vai trò doanh nghiệp nội địa khi phải cạnh tranh với các đối thủ tới từ những cường quốc khác, và vai trò là doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư, hoạt động tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Cảm ơn rất nhiều vì món quà tuyệt vời này!”, nữ nhà báo Pan Mengqi của Báo China Daily (Trung Quốc) bày tỏ khi được tặng sách.
Trong khi đó, nhà báo Alberto Salazar (Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina) tỏ ra hào hứng khi được chọn để trao tặng cuốn sách được một nữ doanh nhân Việt viết bằng tiếng Anh. “Tôi biết cuốn sách này! Và cả nhà xuất bản này của Mỹ cũng rất nổi tiếng! Doanh nhân Việt Nam giỏi quá!”, nhà báo Alberto Salazar nói ngay khi thấy cuốn sách. Sau đó, ông liên tục lặp lại “Cảm ơn! Món quà tuyệt vời!” để thể hiện sự vui thích.
Dường như tâm lý và “khẩu vị đọc” của các phóng viên quốc tế đã được nhà xuất bản ForbesBook nắm bắt ngay khi cầm bản thảo của “Competing with Giants”. Tôi còn nhớ, trong buổi ra mắt cuốn sách này ở Hà Nội mùa Thu năm ngoái, ông Justin Batt - đại diện ForbesBook - từng chia sẻ: “Chúng tôi quyết định xuất bản “Competing With Giants” vì đây không chỉ là một cuốn sách kinh doanh thông thường, mà là bức tranh về lịch sử, văn hóa, kinh tế Việt Nam sau chiến tranh, một hình mẫu kinh doanh cho các quốc gia khác. Cuốn sách có thể truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Bản thân tôi đã tới Việt Nam vì cũng được truyền cảm hứng từ cuốn sách”.
Dũng cảm và kiên định trên sân chơi toàn cầu hóa
Vào những khoảng thời gian giải lao ít ỏi trong ngày làm việc sau cùng của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, cô Natalie Forrest đã dành để đọc một chút cuốn sách được gửi tặng. “Tôi đã đọc một số trang và tìm kiếm thông tin liên quan. Tân Hiệp Phát là một doanh nghiệp gia đình điển hình của châu Á. Họ đã vượt qua những đối thủ lớn có cấp độ toàn cầu để duy trì và phát huy vị thế tại thị trường nội địa”, cô Natalie Forrest chia sẻ.
“Đúng vậy, đây là câu chuyện về một gia tộc doanh nhân vươn lên thành công từ gian khó. Từng gặp mấy lần người sáng lập ra Tân Hiệp Phát, tôi thấy ông ấy là một người lao động cần cù, làm việc cực kỳ siêng năng, rất chịu khó học hỏi và kiên định trong triết lý kinh doanh”. Tôi tiếp lời và thấy Forrest càng chăm chú lắng nghe hơn khi thấy tôi bảo: "Ông ấy gần gũi và bình thường còn hơn cả những người bình thường khác, đến nỗi ai cũng có thể làm giống hoặc làm hơn Dr. Thanh - một cái tên người ta quen gọi ông ấy". Cuốn sách này có thể truyền cảm hứng để Natalie Forrest cũng như tôi có động lực tìm kiếm thông tin về kinh doanh cũng như khởi nghiệp mang đặc thù rất châu Á như Tân Hiệp Phát; thể hiện sự dũng cảm và kiên định trên sân chơi toàn cầu hóa.
Nhà báo Alberto Salazar (Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina) tỏ ra hào hứng khi được chọn để trao tặng cuốn sách. |
Quả thực, việc phát triển mô hình doanh nghiệp gia đình là điều mà nhà sáng lập Tân Hiệp Phát - doanh nghiệp sản xuất nước giải khát tư nhân lớn nhất Việt Nam luôn đau đáu. Chính sự kiên cường đi lên từ hai bàn tay trắng để gây dựng một gia tộc doanh nhân bền vững từ nội lực đã giúp Tân Hiệp Phát có sức chống chịu trước biết bao cú va đập, khủng hoảng kinh hoàng. Cùng với đó là bộ quy tắc văn hóa ứng xử và giá trị gia đình được doanh nghiệp này tạo dựng theo chiều sâu, để tất cả hoạt động theo hướng tối ưu.
Trong câu chuyện giữa các đồng nghiệp làm nghề phóng viên, chúng tôi nói về một triển vọng sáng sủa trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Mỹ nhân Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vừa diễn ra tại Hà Nội. Đó là, phái đoàn của Tổng thống Mỹ đã ghi dấu ấn bằng việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác trị giá khoảng 21 tỷ USD với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ước tính của Nhà Trắng, những hợp đồng này sẽ tạo ra hơn 83.000 việc làm cho người dân Mỹ trong lĩnh vực liên quan đến công nghiệp chế tạo hàng không dân dụng với hàng trăm máy bay mới của Mỹ sẽ được bàn giao trong khoảng thời gian từ năm 2020 - 2030 và các hãng hàng không cũng đang ráo riết chuẩn bị cho các chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai có thể nói đã thổi một luồng gió mới đầy tích cực cho nền kinh tế và làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam. Điều khiến người viết bài này còn tiếc nuối là đã không thể có đủ thời gian để nói chuyện nhiều hơn với các đồng nghiệp nước ngoài muốn được đọc và hiểu Việt Nam hơn.
Và cuốn “Competing with Giants” có lẽ như một “chất xúc tác” kết nối sự quan tâm của thế giới với thị trường Việt, doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt thông qua câu chuyện truyền cảm hứng thú vị có tên “Vượt lên người khổng lồ”./.
“Tôi rất quan tâm tới những câu chuyện liên quan đến các doanh nghiệp lớn của Mỹ, và việc họ bị đối thủ cạnh tranh vượt qua tại thị trường này quả là rất đáng để tìm hiểu”.
Nhà báo Australia Natalie Forrest