Điều tiết lợi nhuận các doanh nghiệp có vốn nhà nước
Chỉ cần thu 5 - 7% cổ tức từ nguồn vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp có thể đạt khoảng 35.000 - 49.000 tỷ đồng/năm.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc điều tiết thu lợi nhuận, cổ tức tại các doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước đầu tư trong năm 2013 và năm 2014, Chính phủ đã có Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5-12-2013 và Bộ Tài chính có Thông tư số 187/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Theo đó, sẽ thu vào ngân sách Nhà nước số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước theo quyết toán tài chính năm 2013 và 2014 và số cổ tức các năm trước được chia trong hai năm này. Nguồn thu này được điều tiết 100% cho ngân sách Trung ương.
Bên cạnh đó, với toàn bộ số cổ tức đã thu về quỹ hỗ trợ sắp xếp DN từ đầu năm đến ngày 10-12, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nộp về ngân sách Nhà nước chậm nhất là ngày 15/12. Còn các khoản phát sinh nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp DN sau ngày 10/12, SCIC phải nộp về ngân sách sau ba ngày nhận được.
Riêng đối với lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, Bộ Tài chính yêu cầu cũng phải có trách nhiệm nộp lợi nhuận còn lại năm 2013 và 2014 về ngân sách Nhà nước sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định.
Hiện chưa có thống kê cụ thể về con số nộp về ngân sách Nhà nước của SCIC và của các tập đoàn, tổng công ty…, song theo dự báo của các chuyên gia, ngân sách Nhà nước sẽ có thể tăng thêm một khoản đáng kể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo đó, hiện tại, tổng vốn nhà nước đã đầu tư vào các DN nhà nước khoảng 700.000 tỉ đồng. DN làm ăn khó khăn cũng có thể cho lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 5 - 7%. Chỉ cần thu 5 - 7% cổ tức từ nguồn vốn chủ sở hữu trên cũng đã có thể đạt khoảng 35.000 - 49.000 tỷ đồng mỗi năm.
Việc điều tiết phần lợi nhuận, cổ tức này về ngân sách Nhà nước không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu cho ngân sách mà còn tạo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các DN nhà nước và DN tư nhân.
Bởi trước đây, ngoài việc được hưởng rất nhiều ưu đãi như được cấp vốn, cấp đất, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước, các DN nhà nước còn nghiễm nhiên được giữ lại một khoản tiền lớn là phần cổ tức chia cho phần vốn nhà nước để bổ sung cho các dự án đầu tư.
Thậm chí nhiều DN còn phung phí tiền đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành, gây thất thoát nhiều tỷ đồng. Do đó, việc buộc các DN nhà nước nộp phần cổ tức này về ngân sách cũng là giải pháp để buộc các DN nhà nước phải quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn đầu tư của mình./.